Bảo hiểm nhân thọ (“BHNT”) không còn là cụm từ xa lạ trong đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay, như đã từng như vậy khoảng hơn hai thập kỷ trước. Thế nhưng, ngay những người đang làm việc trong ngành bảo hiểm nói chung, BHNT nói riêng, liệu có bao nhiêu phần trăm trong họ đã một lần biết được nguồn cội của BHNT cũng như sự thay đổi của nó trong suốt lịch sử loài người?
Hình minh họa |
1-Thời kỳ nguyên thủy:
Loài người sống bằng săn bắt và hái lượm luôn lo lắng khi không kiếm được đủ đồ ăn dẫn đến bệnh tật, ốm đau, chết chóc đe dọa. Họ đã biết được cách dự trữ thức ăn bằng phơi sấy, nướng, hun khói, ngâm tẩm là hình thức sơ khai của bảo hiểm. Sau đó con người đã biết gieo trồng cây để thu hái thức ăn, nhốt những con vật còn khỏe đễ săn bắt được và phát triển thành nghề trồng trọt chăn nuôi tự bảo hiểm cho mình trước rủi ro thiếu thức ăn dẫn đến ốm, đau, chết chóc.
2-Thời kỳ trước Công nguyên:
– Năm 2500 trước Công nguyên, người dân Địa Trung Hải lo sợ những thiệt hại xảy ra gây chết chóc, thương tật cho các nhà buôn và nô lệ của họ do bão tố và hải tắc gây nên đã tiến hành đóng góp tiền xây dựng quỹ bảo hiểm chi trả cho những người trong nhóm cùng đóng góp khi xảy ra rủi ru và hậu quả nói trên.
– Năm 1750 trước Công nguyên, nhà vua Hammurabi vùng Babylon đã ban hành “quy tắc đền bù công bằng” để thương nhân Địa Trung Hải tiến hành mua bảo hiểm cho người đi vay tiền của mình để khi người đi vay tiền tử vong thì quỹ bảo hiểm chi trả thay cả gốc lẫn lãi số tiền đã vay.
– Năm 600 trước Công nguyên, người Hy Lạp và La Mã tổ chức các phường hội “xã hội thân thiện” để chăm lo sức khỏe và chi phí tang lễ cho các gia đình thành viên. Hoạt động này được cho là tiền thân của bảo hiểm y tế và tử vong.
3-Sau Công nguyên
– Năm 1583, một thuyền thủy của Anh yêu cầu một công ty bảo hiểm phi nhân thọ bán bảo hiểm tính mạng sức khỏe cho mình (bao gồm rủi ro tai nạn, cướp bóc, bắt giữ để tống tiền, bệnh tật, tử vong) cùng với gói bảo hiểm cho con tàu. Công ty bảo hiểm đã chấp thuận thuyền trưởng William Gubbon trả phí bảo hiểm 32£, sau hơn 1 năm thuyền trưởng này bị tử vong và được công ty bảo hiểm bồi thường 400£. Hợp đồng bảo hiểm còn được lưu trữ cho đến nay và được coi là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trên thế giới
– Năm 1653, tại Pháp đã phổ biến và phát triển hình thức chơi họ. Người tham gia chơi họ đóng tiền vào quỹ chung cho đến khi đạt độ tuổi nhất định (tương tự như tuổi về hưu hiện nay). Quỹ này dùng để chi trả cho các thành viên còn sống đến độ tuổi nói trên một khoản tiền nhận hàng kỳ đủ để sống khi hết khả năng lao động cho đến khi tử vong. Hình thức chơi họ này sau đó được phát triển sang Anh, Hà Lan vào năm 1690. Đây có thể xem là tiền thân của bảo hiểm hưu trí.
– Năm 1662, John Grant người Anh đã đưa ra bảng phân tích có hệ thống giữa người còn sống và người tử vong dựa trên dữ liệu thu được tại lễ đặt tên và lễ an tang của London. Sau đó Edmund Halley phát triển thành bang tuổi thọ bình quân.
– Năm 1762, công ty bảo hiểm nhân thọ của Anh đầu tiên ra đời mang tên Equatable. Tổ chức này lần đầu tiên tính phí bảo hiểm dựa trên cơ sở bảng tỉ lệ tử vong. Bảng tỉ lệ tử vong xây dựng trên cơ sổ lấy dữ liệu số lượng người chết tại London từ năm 1728 đến 1750. Sau đó có lấy thêm dữ liệu từ năm 1770 đến 1780 tại Norhthampton.
– Năm 1774, đạo luật về quyền lợi bảo hiểm được ra đời ở Anh để chống lại tệ nạn cá cược trong bảo hiểm nhân thọ, trong đó rất nhiều người mua bảo hiểm cho cái chết của ông chủ hoặc nhân vật nổi tiếng để hưởng lợi khi những người nói trên bị tử vong. Theo đạo luật này, chỉ có người có quan hệ về quyền lợi nhất định với người được bảo hiểm mới được mua bảo hiểm và được trả tiền bảo hiểm như mua bảo hiểm cho vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, mua bảo hiểm cho con nợ.
– Năm 1849, công ty bảo hiểm hành khách đi tàu hỏa của Anh được thành lập để bảo hiểm cho các hành khách bị tai nạn trên suốt hành trình của mình.
– Năm 1860, tại Đức bắt đầu phát triển bảo hiểm cho ông chủ sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn, tử vong. Sau đó loại bảo hiểm này được phát triển ra khắp châu Âu.
– Năm 1862, công ty bảo hiểm đầu tiên của châu Á được thành lập đó là công ty bảo hiểm Meiji của Nhật.
4-Từ thế kỷ XX đến nay:
– Đầu những năm 1960, chương trình bảo hiểm hưu trí được triển khai tại Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Úc. Chính phủ các nước đã hỗ trợ cho chương trình này như khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp khoản đóng phí bảo hiểm. Hầu hết luật pháp các nước đều quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm hưu trí cho người lao động.
– Từ đầu năm 1970, sản phẩm bảo hiểm đầu tư được ra đời và phát triển hầu hết các nước Mỹ, châu Âu, châu Á để phù hợp với sự phát triển của thị trường tài chính. Theo đó sản phẩm truyền thống (gắn liền với rủi ro) được kết hợp đầu tư tài chính nhằm đem lại sinh lời cao hơn cho người tham gia bảo hiểm.
– Đến nay hầu hết các nước có nền kinh tế tăng trưởng ổn định, thị trường tài chính tiền tệ tăng trưởng, đồng tiền không bị mất giá, lạm phát được kiểm soát, đầu tư vào thị trường tài chính tiền tệ an toàn là tiền đề để thành lập và phát triển hoạt động bảo hiểm nhân thọ.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và sự can thiệp của Nhà nước ở các nước khác nhau với các mức độ khác nhau chia làm 5 loại như sau:
❖ Thị trường hoàn toàn đóng: Nhà nước tự làm hoặc giao cho một doanh nghiệp bảo hiểm độc quyền triển khai bảo hiểm nhân thọ.
❖ Thị trường đóng: chỉ có Nhà nước và công ty bảo hiểm trong nước triển khai bảo hiểm nhân thọ. Nhà nước khống chế chặt chẽ về phí bảo hiểm và các quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm. Nhà nước kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
❖ Thị trường mở một phần: ngoài Nhà nước, các công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước còn có một số công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia vào hoạt động bảo hiểm nhân thọ. Nhà nước khống chế một phần về phí và các loại hình bảo hiểm sản phẩm bảo hiểm. Nhà nước kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
❖ Thị trường mở: Nhà nước đưa ra rất ít hạn chế các công ty bảo hiểm nước ngoài gia nhập thi trường cũng như Nhà nước ban hành và kiểm sát phí bảo hiểm, phê chuẩn một số loại sản phẩm bảo hiểm. Tuy vậy Nhà nước vẫn giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
❖ Thị trường rất mở: Nhà nước hạn chế tối đa sự can thiệp vào thị trường bảo hiểm cũng như sự giám sát với các doanh nghiệp bảo hiểm. Mô hình này hiện nay chỉ áp dụng với các nước thuộc EU.
5-Thị trường bảo hiểm các nước ASEAN:
Sự phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN đòi hỏi cho việc hình thành và phát triển ngành bảo hiểm của mỗi nước ở cấp độ khác nhau. Ngay từ những năm đầu của những năm 50 của thế kỷ XX các công ty bảo hiểm Nhà nước, tư nhân được thành lập tại Thái Lan, Malaysia (sau đó Singaore tách ra độc lập), Indonesia, Philippines. Tiếp đó là lộ trình mở cửa cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào hoạt động đem theo các sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, sinh kỳ, hỗn hợp, trả tiền định kỳ, liên kết đầu tư, hưu trí. Những nước Đạo Hồi như Brunei, Indonesia, Malaysia còn có công ty bảo hiểm phục vụ riêng cho người Hồi Giáo. Năm 1975, Hội đồng bảo hiểm các quốc gia ASEAN được thành lập bao gồm các Hiệp hội bảo hiểm nhân thọ, Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ các nước ASEAN tham gia là thành viên gọi tắt là AIC. Riêng Việt Nam Nhà nước muốn quy định muốn thành lập hiệp hội phải có ít nhất 10 doanh nghiệp 100% Việt Nam là thành viên sang lập đệ đơn xin thành lập hiệp hội nên Việt Nam có Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tham gia AIC cho cả nhân thọ và phi nhân thọ. AIC mỗi năm họp một lần tại quốc gia đăng cai lần lượt theo đầu chữ cái trong từ điển mang tên mỗi nước. Riêng các nước mới gia nhập được đăng cai ngay kỳ họp sau. Điều hành hoạt động AIC và kỳ họp của AIC là Tổng thư ký của AIC có trụ sở đóng tại Indonesia.
Tóm lại thị trường bảo hiểm nhân thọ trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ do các yếu tố sau:
– Nền kinh tế thị trường phát triển, mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội đều có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân (kể cả bệnh viện, trường học, văn hóa, thể thao) sự bao cấp của Nhà nước có hạn mức nhất định (kể cá một số nước miễn học phí, viện phí, trả trợ cấp thất nghiệp, trả trợ cấp hưu trí). Người lao động có thu nhập được trả có thể tiết kiệm thông qua biện pháp bảo hiểm nên họ hướng tới mức hưởng thụ cao hơn cho con cái học hành trường chất lượng cao, gia đình điều trị ốm đau thương tật tại cơ sở y tế hiện đại, phòng ngừa thất nghiệp và hết tuổi lao động có mức thu nhập khá hơn sự trợ cấp của Nhà nước nên họ lựa chọn tham gia bảo hiểm.
– Văn hóa mua bảo hiểm đã được hình thành từ nhiều năm. Tư tưởng phấn đấu làm hết lực để có 2 triệu USD rồi nghỉ để hưởng thụ, cha mẹ nuôi con đến 18 tuổi trưởng thành vào đại học cho con độc lập (vì học phí được chi trả từ các doanh nghiệp bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã mua). Về già sống an nhàn đi du lịch hoặc vào viện dưỡng lão không trong đợi sự trợ giúp của con cái (vì gia đình sinh ít con và con cái sống ở xa, bận rộn công việc).
– Chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm nhân thọ. Nhà nước coi bảo hiểm nhân thọ là hoạt động an sinh xã hội cho người dân trước ốm đau, tai nạn, tử vong, thất nghiệp, mất sức lao động, hưu trí góp phần ổn định ngân sách Nhà nước không phải sử dụng chế độ đảm bảo xã hội chi cho sự kiện trên (ngoài chế độ quy định ngân sách được chi). Đồng thời Nhà nước coi bảo hiểm xã hội là công cụ tài chính huy động tiền nhàn rỗi trung dài hạn góp phần cho Chính phủ vay (trái phiếu) để xây dựng đất nước. Vì thế phí bảo hiểm đã đóng được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập cá nhân (khấu trừ trước thuế và Nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia các lĩnh vực đầu tư vào nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện,…)
– Nhà nước có chế độ quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm được công khai minh bạch tạo ra niềm tin và sự an toàn của người dân tham gia bảo hiểm.
Nguồn: Ông Phùng Đắc Lộc-Giám đốc Quỹ vì cuộc sống tươi đẹp kiêm Giám đốc quan hệ đối ngoại Dai ichi Việt Nam! – nguyên trưởng Bộ môn Bảo hiểm ĐH Tài chính Kế toán nay là Học viện Tài chính
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!