Tâm sự người làm nhân sự đầu năm: những lá đơn nghỉ việc

Sáng lướt qua mặt báo 1 vòng xem tình hình biến động Nhân sự sau Tết, Vân nhìn thấy con số gần 70% người đi làm muốn nhảy việc vào đầu năm do một công ty nọ khảo sát, vì nhiều lý do (vị trí, tiền lương…), tham khảo từ các công ty quen biết cũng chẳng khác gì, mỗi ngày họ nhận hàng loạt những lá đơn xin nghỉ việc với “lý do cá nhân”. Điều này làm Vân nhớ đến một số nơi đã từng làm việc qua, vài vị (quản lý trực tiếp và cả quản lý Nhân sự) mình nghe họ nói chuyện phiếm với mình mỗi khi có nhân viên nghỉ việc “một con én chẳng làm nên mùa Xuân, cũ đi thì mới đến, mấy đứa ăn cháo đá bát đến công ty học kinh nghiệm cho đã xong rồi đi chẳng giữ làm gì” – Lúc đó mình bị sốc! vì mình nghĩ rằng, một người trong vai trò quản lý đội ngũ có thể phát ngôn ra như thế, không thể trách sao công ty họ biến động nhân sự vào ra như đi chợ.


Thậm chí lý do nhân viên của mình nghỉ việc (hoặc của người khác), họ cũng chẳng màng quan tâm, chuyển cho người làm tuyển dụng lá đơn, cái yêu cầu tuyển mới rồi bàng quan như …những người ngoài cuộc!

Mình lại lụi cụi đi liên hệ từng người, nghĩ cách này cách nọ để họ chia sẻ với lời hứa việc này sẽ giúp cho phòng Nhân sự đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp hơn trong tương lai (cho đến giờ, ở nơi ấy cũng vẫn là hứa chỉ có điều năm mới hứa mới, người mới – vì cả Tuyển dụng cũ cũng nghỉ việc vào ra liên tục) mà chả có chính sách nào được ban ra để cải thiện, nâng cấp chợ lên thành cửa hàng tiện lợi chẳng hạn…

Bận lòng lắm chứ. Mỗi người đến rồi đi (mà nếu là do mình mời họ vào) lại càng buồn hơn. Mất một người lao động, đùa vui mà nói thì công ăn việc làm của người làm Tuyển dụng lại liên tục liên tục như pin Energizer. Doanh nghiệp có thể mất đi 1 người tài, mất chi phí đào tạo lại cho người mới thích nghi công việc, môi trường mới, mất chi phí tuyển dụng…

Ngoài những cái mất có thể nhìn thấy, sờ mó cân đo đong đếm được

Mất mát tinh thần khi đồng nghiệp họ mất nhau (sau 1 thời gian quen biết chuyển qua thân thiết, sáng đẹp trời nọ một người dứt áo ra đi) – nỗi buồn người ở lại còn lâu lắm mới nguôi ngoai. Tệ hơn thì thời gian ngắn sau, họ cũng lôi nhau đi nốt. Mất chì, mất luôn chài.

Lâu dần, những cái mất nhìn thấy, không nhìn thấy, sẽ trở thành sự mất niềm tin vào con người, cuộc sống (của các chủ doanh nghiệp, người quản lý khi nhìn vào người lao động). Họ luôn có cảm tưởng rằng người khác đến công ty họ chỉ để học kinh nghiệm, “được” cho đã xong rồi cuốn gói về nơi tốt hơn.

Nếu ai đang nghĩ vậy, hãy thử dừng lại,và nghĩ về mặt khác của vấn đề…

THẾ SAO VẪN CÓ NHỮNG DOANH NGHIỆP BIẾN ĐỘNG NHÂN SỰ RẤT THẤP?

NHÌN VÀO CON SỐ NGHỈ VIỆC SAU KHI NHẬN LƯƠNG, THƯỞNG ĐẦY ĐỦ (trước đó có khi họ đã quá chán nhưng vẫn cố níu kéo ở lại thêm tí cho tròn năm) – Cũng vẫn những câu trả lời quen thuộc “đâu cũng vậy mà, Tết xong họ lại nhảy việc, thì tuyển mới thôi…” – CHẢ AI THẤY LẠ, NGƯỜI LÀM QUẢN LÝ KHÔNG THẤY LẠ, NGƯỜI LÀM NHÂN SỰ THẤY CŨNG THƯỜNG.

LẠ CHÍNH LÀ CÁI CHỖ KHÔNG LẠ NÀY!!!!!!

Ví như 2 người đang yêu nhau, một thời gian sau, 1 trong hai thay lòng đổi dạ dẫn đến việc đường anh anh Go, đường em em té. Trừ những người lịch sự, văn minh – phần lại đổi cho nhau tại anh, tại ả! Ai cũng chả chịu tại mình. Số khác đổi cho tại ..ông trời (duyên hết rồi thì buông chứ biết làm sao) – Trời mà suốt ngày ngồi bị buzz màn hình điện thoại do mấy cuộc chia tay dưới hạ giới thì chắc quanh năm sẽ là mùa mưa do ổng ngồi ổng khóc miết.

BÀI TOÁN CON NGƯỜI, ĐÂU PHẢI CỦA RIÊNG NHÂN SỰ, CÒN CÓ CẢ NHỮNG VỊ QUẢN LÝ VÀ CẢ BẢN THÂN NGƯỜI NHÂN VIÊN. Chúng ta hiểu được nhau, đồng thuận với nhau, chúng ta mới còn có thể ăn chung mâm, ngủ chung chiếu nữa được lâu lâu một chút

ĐỂ HIỂU ĐƯỢC, CÓ GÌ TỐT HƠN NGOÀI ĐỐI THOẠI?!?

Không liên quan lắm, nhưng lại rất liên quan, một ngày gần đây nhất, Vân ngồi vô tình nghe cuộc đối thoại giữa 2 người là quản lý cấp ..xém trung “Đi học mấy năm trời Đại học ra chẳng xài được một tí gì vào công việc, cuộc sống. Giờ mà ai đi học cao lên thì cũng để cho có cái vé thông hành tốt để lên quản lý, lương cao hơn thôi chứ chẳng hữu ích gì, nên thôi, chẳng cần học mất thời gian” (mà mình đang cắp cặp đi học mỗi tối, nghe xong cảm giác muốn đứng lên đi về ngay và luôn, may mà kiềm chế lắm ngồi thêm 5 phút, ăn xong cái đùi gà mới rời khỏi). Có thể đi làm lâu năm, kinh nghiệm đường phố tích lũy đủ thì lên làm quản lý be bé, rồi lâu thêm lại lên to to – Khi đã lên cấp bậc khác, quyết định, suy nghĩ, tư duy, quan điểm…đại khái là mỗi một khi đưa ra điều gì, ít nhiều ảnh hưởng trực, gián tiếp đến người khác. Lúc này, không học (không phải cứ đến trường là đi học), thì bao giờ học nữa đây?

Hay, ngày này qua ngày nọ, sống lâu thành già làng, quản lý tệ bổ nhiệm thêm quản lý kém và kéo theo cả một hệ thống các quyết định bệnh tật!

Không cần đi học, nếu siêu phàm quá, người ta ghi danh trên bia mộ thế giới (mà người ta cũng học ngày học đêm không lẽ công bố cho tất cả phải hay). Nếu không cần học để làm quản lý, chỉ cần “lắng nghe con tim nó hát” thì sớm muộn rồi cũng tan nát hết cả team!

Rồi ra đi, rồi đổ thừa, rồi chửi rủa. RỒI CŨNG CHẢ CÓ GÌ THAY ĐỔI. CHẢ CÓ GÌ TỐT HƠN. CHẢ CÓ TÍ QUAN ĐIỂM CẢI TIẾN…

“Human Capital” hay chính sách phúc lợi, phát triển nghề nghiệp này nọ…cũng chỉ là những mĩ từ nếu người có đủ quyền để tạo rat hay đổi, lại không muốn thay đổi.

Nói đi, cũng nói lại, khi chúng ta muốn tìm công việc mới, hãy ngồi nhìn lại (hay lấy đại ra 1 tờ giấy, ngoằn nghoèo lên đấy những điều lợi, điều hại, suy đi nghĩ lại thật kỹ trước khi quyết định. Đừng vì ghét sếp, lương thấp, máy lạnh không đủ mát… mà đã vội ra đi.

Lộ trình nghề nghiệp của mỗi chúng ta cũng cần được xây dựng và bám theo nó kiên trì để nhìn thấy được sự trưởng thành qua từng bước đi. Hãy nhìn từ nhiều mặt của vấn đề để thấy được sự cần thiết trong việc bổ sung kiến thức cho bản thân làm sao, để khi chúng ta là sếp. Chúng ta có thể NGHĨ, LÀM khác biệt hơn những ai kia.

Đương nhiên rằng, biến động nhân sự là không thể tránh khỏi, nó phản ánh thị trường lao động không ngừng vận động. Nhưng không tránh khỏi, không có nghĩa là bỏ lơ, buông xuôi mặc người đẩy thì mình xô, người vô thì mình tuyển…haizzz

Sự phát triển của doanh nghiệp nhiều khi nhanh quá, mà khả năng quản lý vẫn còn ngồi ở xích lô ở xa xa…

Phụ nữ cứ buồn là viết còn nhiều hơn cả tiểu thuyết ngôn tình. Mình cứ không vui là chữ cứ nhảy múa trước mắt…
nguồn: hr Huỳnh khánh Vân

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *