Văn hóa Việt Nam nói chung đã bao đời nay, và thậm chí tại thời điểm những năm đầu thế kỷ XXI này vẫn còn khá nặng nề đối với trường hợp có liên quan đến kiện tụng. Quan điểm “Vô phúc đáo tụng đình” – có thể hiểu nôm na là vô phúc mới vướng vào kiện tụng vẫn được nhắc đến.
Tuy thế, việc kiện tụng ngày càng trở nên phổ biến hơn, do sự hiểu biết pháp luật nhiều hơn của đại bộ phận dân số, do sự phức tạp của các giao dịch trong nền kinh tế, và do giá trị tranh chấp ngày càng có xu hướng lớn hơn và số lượng vụ việc có tranh chấp những tăng cao.
Vì lẽ đó, mỗi cá nhận và tổ chức khi tham gia các hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội đều cần phải có và đã có xu hướng sẵn sàng tâm thế phải đối đầu với các vụ kiện, mà trong đó mình có thể là nguyên đơn, có thể là bị đơn, hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, v.v…
Trong một vụ kiện, có rất nhiều vấn đề cần lưu ý phải đặt ra. Một trong các vấn đề đó là án phí, lệ phí tòa án.
Vậy Án phí và lệ phí tòa án được quy định ở văn bản pháp luật nào? Quy định những vấn đề nào đáng chú ý? Bài viết này giải quyết các câu hỏi đó của bạn đọc.
Văn bản pháp luật nào điều chỉnh/quy định án phí và lệ phí tòa án?
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ban hành ngày 30/12/2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Nghị quyết số 326 quy định những vấn đề chính nào?
Nghị quyết số 326 quy định mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí Tòa án; trường hợp không phải nộp, không phải chịu, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án; xét miễn, giảm, thời hạn nộp, chế độ thu, nộp, quản lý, xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án; kiểm sát việc thu, nộp, miễn, giảm và giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án.
Án phí gồm những gì?
1. Án phí bao gồm:
a) Án phí hình sự;
b) Án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
c) Án phí hành chính.
2. Các loại án phí quy định tại khoản 1 Điều này gồm có án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.
Lệ phí Tòa án gồm những gì?
1. Lệ phí giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29; khoản 1 và khoản 6 Điều 31; khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự.
2. Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, bao gồm:
a) Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án quyết định của Tòa án nước ngoài, cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoại, cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định tại khoản 5 Điều 27; khoản 9 Điều 29; khoản 4 và khoản 5 Điều 31; khoản 3 và khoản 4 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự;
b) Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
3. Lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
4. Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
5. Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
6. Lệ phí bắt giữ tàu biển, tàu bay.
7. Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
8. Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
9. Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án, bao gồm:
a) Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện;
b) Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án;
c) Lệ phí cấp bản sao quyết định xóa án tích;
d) Lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án.
Các vấn đề khác về án phí và lệ phí tòa án?
Ngoài ra Nghị quyết 326 còn quy định thủ tục tạm ứng án phí, lệ phí tòa án, điều kiện và hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án…
Chi tiết hơn, bạn đọc nghiên cứu tham khảo toàn văn Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 hoặc đặt câu hỏi hay ý kiến cụ thể tại bên dưới bài viết để cùng trao đổi với chúng tôi.
Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với chúng tôi bằng cách comment ở cuối bài viết, hoặc tại phần “Liên hệ” hay gọi theo số Hotline trên đầu trang web. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Để được gửi email nhận các bài viết tương tự hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy để lại email của bạn tại phần ‘ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN”.
ikienthuc.com – Legal Team