Có rất nhiều trường hợp, rất nhiều người chưa từng soạn thảo hợp đồng, hoặc ngần ngại soạn thảo và ký Hợp đồng mặc dù họ giao kết rất nhiều hợp đồng. Mặc dù pháp luật thừa nhận giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (Điều 119, Bộ luật dân sự 2015, có hiệu lực từ 01/01/2017), song trong thực tế nhiều trường hợp vì tin tưởng nhau, hoặc ngại soạn thảo và ký hợp đồng đã dẫn đến những hệ quả đáng tiếc, hoặc xảy ra tranh chấp mà rất khó khăn trong giải quyết so với việc cùng trường hợp đó nhưng được thể hiện cụ thể tại Hợp đồng.
Một phần mục lục của một Hợp đồng chuyển nhượng tài sản |
1. Sự cần thiết của soạn thảo hợp đồng
Để làm rõ ý trên, có thể lấy ví dụ sau: anh A thuê anh B đứng ra nhận xây dựng nhà kho ở góc vườn kề tường rào nhà anh A, mà không có hợp đồng. Không may trong khi xây dựng, có người đi ngang qua khu xây dựng và xô vữa rơi xuống làm người này bị thương. Trường hợp này anh A có thể lại trách mình không xem ngày giờ kỹ hoặc thầy xem “không chuẩn”. Mà lại không nghĩ đến hay biết rằng nếu lập hợp đồng phân rõ trách nhiệm và phạm vi xây dựng nào anh B phải chịu trách nhiệm với các tổn thất, thiệt hại về người, tài sản của anh A, chính anh B và người làm cho anh B ở công trình đó và bất kỳ bên thứ ba nào bị ảnh hưởng. Khi đó anh B sẽ phải tự tìm ra giải pháp và quản lý việc không cho người lạ đi vào khu vực xây dựng…Đây chỉ là một trong cơ man ví dụ có thể dẫn ra hoặc gặp phải trên thực tế.
Nói như vậy để thấy việc soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng là vô cùng cần thiết trong hầu khắp các giao dịch mà chúng ta thực hiện; đặc biệt là các giao dịch hàm chứa nhiều rủi ro.
2. Soạn thảo hợp đồng phải đảm bảo hợp đồng có hiệu lực
Việc soạn thảo hợp đồng sẽ không có ý nghĩa nếu hợp đồng đó vô hiệu. Vì thế, vấn đề đầu tiên đặt ra là hợp đồng đó phải có hiệu lực. Để hợp đồng có hiệu lực, chúng ta cần đặt các câu hỏi sau đây:
(1) Các bên ký hợp đồng có năng lực hành vi phù hợp với hợp đồng hay không? Nếu là pháp nhân, thì chức năng kinh doanh của họ có phù hợp với hợp đồng hay không? Người ký hợp đồng có thẩm quyền đại diện pháp nhân đó hay không?
(2) Mục đích, nội dung hợp đồng không trái với quy định của pháp luật, đại đức xã hội: Việc ký hợp đồng có vi phạm các quy định nào của pháp luật hay không? Trước khi ký hợp đồng có cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội dung hợp đồng hay không? Có cần phải xin phép các cơ quan nhà nước trước khi ký hợp đồng hay không? Các giấy phép cần thiết để ký hợp đồng đã đầy đủ chưa? Mục đích tối hậu của hợp đồng (thí dụ tránh thuế) có bị coi là bất hợp pháp theo quy định của luật Việt Nam hay không?
(3) Các bên tham gia ký kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện: Việc ký hợp đồng có cần phải có sự phê chuẩn của Hội đồng Thành viên, Hội đồng Quản trị hay các cơ quan quản lý khác của doanh nghiệp hay không? Người ký hợp đồng đã được giải thích rõ từng điều khoản và nội dung hợp đồng hay không? Có các điều khoản loại trừ bất kỳ sự hiểu nhầm do các nội dung khác không liên quan đến nội dung hợp đồng hợp đồng hay không (gọi là điều khoản “toàn bộ hợp đồng” – entire agreement)?
(4) Hình thức hợp đồng phù hợp với các quy định của pháp luật: Hợp đồng này có cần phải công chứng hay không? Có cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước nào hay không?
Các điều kiện làm cho hợp đồng có hiệu lực có thể được ghi gọn bằng một điều khoản trong hợp đồng, đó là điều khoản cam đoan và bảo đảm (representations and warranties).
3. Soạn thảo hợp đồng để thực hiện hợp đồng
Mục đích thứ ba của việc soạn thảo hợp đồng là để thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong hợp đồng phải có những nội dung chủ yếu. Thiếu các nội dung này thì hợp đồng không thể thực hiện được. Các nội dung chủ yếu đó là:
(1) Đối tượng của hợp đồng: đối tượng phải hết sức cụ thể, rõ ràng. Nếu không sẽ không thực hiện được, hoặc nếu thực hiện thì sẽ phát sinh tranh chấp. Thí dụ, nếu đối tượng là mua bán một căn nhà, thì căn nhà đó phải được ghi rõ địa chỉ, số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, có sơ đồ bản vẽ đi kèm. Nếu đối tượng là một dịch vụ, thì dịch vụ đó phải được nêu cụ thể về kết quả thực hiện.
(2) Giá cả và phương thức thanh toán: Giá cả có thể ghi bằng tiền USD hay các ngoại tệ khác, song đồng tiền thanh toán phải là tiền Việt Nam. Phương thức thanh toán có thể bằng tiền mặt, chuyển khoản hay thông qua một định chế thứ ba (thí dụ tín dụng thư). Tuy nhiên cũng phải cụ thể về số tài khoản, các điều khoản, điều kiện của tín dụng thư v.v.
(3) Thời hạn hợp đồng: cần lưu ý thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc hợp đồng, xem tại thời điểm đó, mục đích của các bên trong hợp đồng có thể đạt được hay chưa. Nếu cần gia hạn, thì thủ tục gia hạn như thế nào. Nếu cần kết thúc sớm, thì thủ tục kết thúc sớm như thế nào?
Ngoài ra, các bên có thể đưa vào các điều kiện khác trong hợp đồng. Tuy nhiên, các nội dung chủ yếu nói trên chỉ mới đủ để thực hiện hợp đồng, chứ chưa đủ để giải quyết tranh chấp. Các điều khoản chủ yếu này còn được gọi là các điều khoản thương mại (commercial terms).
4. Soạn thảo hợp đồng để phòng ngừa rủi ro
Ý nghĩa thứ tư của việc soạn thảo hợp đồng là để phòng ngừa rủi ro. Các điều khoản dùng để phòng ngừa rủi ro được gọi là điều khoản pháp lý (legal terms). Các rủi ro đó bao gồm:
(1) Rủi ro về hợp đồng vô hiệu: được giải quyết thông qua điều khoản cam đoan và bảo đảm (representations and warranties).
(2) Rủi ro về việc một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng sau khi bên thứ nhất đã thực hiện nghĩa vụ của mình: được giải quyết thông qua quy định về các điều kiện tiên quyết mà bên sắp phải chịu rủi ro muốn có được trước khi mình thực hiện nghĩa vụ (điều khoản này gọi là điều kiện tiên quyết – conditions precedent).
(3) Rủi ro về việc các bên không chịu thực hiện các cam kết của mình, hay tiến hành một số hành vi nguy hiểm làm tăng khả năng chịu rủi ro của bên kia (điều khoản này gọi là cam kết – covenants).
(4) Rủi ro về việc một bên vi phạm hợp đồng hay bị coi là vi phạm hợp đồng (điều khoản này gọi là sự kiện vi phạm – events of default).
5. Tham khảo một số hợp đồng thường dùng.
Một số hợp đồng thường dùng cho công ty thương mại và sản xuất, có thể tham khảo tại đây.
Liên hệ tư vấn về Hợp đồng, kinh doanh thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài, lao động, sở hữu trí tuệ:
Mobile/Zalo: 0989 588 186
Skype: iamdophuonganh
Website:
www.ikienthuc.com
www.anhdolawyer.com
Liên hệ tư vấn về Hợp đồng, kinh doanh thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài, lao động, sở hữu trí tuệ:
Mobile/Zalo: 0989 588 186
Skype: iamdophuonganh
Website:
www.ikienthuc.com
www.anhdolawyer.com
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!