TÔI ĐÃ XIN HỌC BỔNG DU HỌC MỸ THẾ NÀO?
Lại sắp tới mùa xin học bổng Mỹ, tôi kể lại câu chuyện mà tôi đã kể từ rất lâu về chính bản thân tôi và qua đó muốn gửi tới các bạn trẻ một lời nhắn nhủ rằng chúng ta hay ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ và có kế hoạch thực hiện ước mơ, cánh cửa đại học Mỹ mở ra với tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, cao thấp, chỉ cần bạn có quyết tâm bạn sẽ thành công…
Truyện ngoài chính sự, đọc để cho vui….
________________________________________________
Tuổi thơ dữ dội
“Thôi con ạ, con học dốt thế này, suốt ngày lêu lổng, học võ, đánh nhau, tụ tập thì chẳng hy vọng gì đâu. Nhà này Mẹ chỉ có mình con, chả biết kiếp trước Tao (Mẹ) nợ gì nhà mày, mà lại đẻ ra mày ngỗ ngược như vậy.” Mẹ tôi mắng tôi cách đây đã gần 30 năm. Thế mà đã gần phần ba cuộc đời. Tôi đã không còn được nghe Mẹ mắng nữa.
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội. Lúc đó có lẽ ở Việt Nam làng nào cũng nghèo cả. Nhà tôi cũng vào loại khá giả vì Mẹ tôi có nghề buôn vải. Nghe Mẹ tôi kể Bà thành công là nhờ dám làm. Cái ngày cả nước sống bằng “tem phiếu”, Mẹ tôi lang thang khắp phố Tràng Tiền, lẻn vào ngách, ngõ con phố này để buôn tem phiếu. Những tấm tem phiếu dùng để mua gạo, mua thịt, mua xà-phòng, hay mua bất cứ thứ hàng hóa nào mà Nhà Nước cho phép. Mẹ tôi mua, đem cả mì gạo ở quê mang ra đổi. Bà đem ra chỗ khác, bán kiếm lời. Nghe nói Mẹ kiếm bội tiền và ra chợ Đồng Xuân mua quần áo cho chúng tôi. Có lần Bà trông thấy người ta thì thầm gì đó, tiến gần lại nghe thì hóa ra gặp được mấy bà buôn vải lậu, đang rỉ tai nhau là sắp có “Phòng Thuế” đến kiểm tra, chị em giấu hết hàng đi. Ngày đấy dân buôn sợ phòng thuế lắm. Sợ hơn cả dân mình ra đường sợ Cảnh Sát Giao Thông (mong các chú đừng trách tội người viết mà chỉ lấy ví dụ cho sinh động thôi ạ). Từ ngày ấy Mẹ tôi chuyển sang buôn vải. Thế là một thời kỳ thịnh vượng của gia định bắt đầu. Buôn vải lãi lắm, nhưng nếu Phòng Thuế bắt là mất tất. May mà Bố tôi làm Công An (C500), cứ hễ Mẹ bị bắt, là Bố lại lên xin. Anh em trong ngành nể nhau, cho qua. Mẹ tôi thoát được nhiều lần, nhưng cũng nhiều lần trắng tay về nhà. Đêm đến tôi nghe thấy Mẹ khóc. Tôi ngủ riêng từ 4 tuổi. Mò sang giường Mẹ. Ôm lấy Bà và nói “sau này con lớn, con sẽ làm Công An, để chả ai bắt được Mẹ nữa.
Ai cũng bảo tôi thông minh từ bé. Nhưng bảo học là lười. Tôi đến lớp không bao giờ nghe giảng. Chỉ mang vở ra vẽ. Lúc thì vẽ cô giáo có ria mép. Lúc thì vẽ bạn Quản Ca xinh gái ngồi bàn đầu. Rồi xé sách giáo khoa gấp máy bay. Có lần tôi trèo lên nóc nhà giám hiệu, phi cái máy bay giấy bay lượn một hồi lâu mới rơi xuống đất. Tôi cứ thầm ước sau này tôi cũng bay cao, bay xa. Tóm lại, tôi học “dốt”. Dốt vì chả học bài bao giờ. Tết đến, tôi đi mua thuốc pháo về nhà cuốn pháo. Sách giáo khoa, vở sạch chữ đẹp, báo, giấy, trong nhà có bao nhiêu, tôi mang ra cuốn pháo hết. Pháo nguy hiểm, năm nào cũng có vụ nổ chết người. Bạn tôi có thằng cụt bàn tay vì đổ xi pháo (nấu xi rồi đổ vào ngòi pháo). Pháo đổ xi thường nổ đanh và to. Trẻ con rất thích. Người lớn thì sợ vì đã biết thế nào là nguy hiểm. Tóm lại, tôi học dốt.
Không bao giờ học, tôi lại thích đi học vẽ vì có lần tôi gặp mấy anh chị trường Đại Học Mỹ Thuật về làng tôi thực tập vẽ tranh phong cảnh. Làng tôi đẹp, mấy mái nhà ngói lút sâu trong rừng dừa. Mẹ tôi bảo Phim Vĩ Tuyến 17 là quay ở làng tôi vì lúc đó lấy bối cảnh là Miền Nam Kháng Chiến. Có ông Thầy dạy vẽ trong làng, Mẹ tôi bảo đến đấy mà học vẽ, học truyền thần để sau này kiếm lấy cái nghề mà sống. Tôi lại lao vào vẽ, suốt ngày đi vẽ, lúc nào cũng vẽ. Màu, mực, bút, tẩy, giấy bày khắp nhà. Được cái Bố Mẹ tôi chiều “cậu ấm”, cứ mặc kệ, chả ép tôi học “toán, lý hóa, văn…” Vì tôi bảo tôi ghét mấy thứ đó. Chả có ý nghĩa gì cả. Học như khoai. Cô giáo thì là bạn Mẹ, nên năm nào tôi cũng lên lớp. Vèo cái đã đến năm cuối cấp 2, ôn thi vào cấp III trường huyện. Hôm đi thi, chả hiểu sao có thằng bạn vừa quen lúc ngồi đợi gọi tên vào phòng “ném bài” cho thế là đỗ.
Vào cấp III thế là xong. Kiểu gì học hết cấp III cũng thành người. Lúc đó tôi chỉ nghĩ thế. Lại đánh nhau, lại đốt pháo. Nhớ mãi cái năm cả nước cấm đốt pháo. Tôi ra giữa sân trường cầm bánh pháo Bình Đà, thằng bạn tôi chạy theo châm lửa, cả Ban Giám Hiệu đứng như trời trồng vì có thằng nào dám làm thế? Thầy chủ nhiệm và Bí thư Đoàn trường chạy ra cản. Tôi kịp châm ngòi vứt pháo lại, bỏ chạy, các Thầy cũng bỏ chạy té khói. Bọn con trai, con gái đứng trong lớp, hành lang vỗ tay hưởng ứng. Cả trường tưng bừng tiếng pháo nổ. Tôi bỏ chạy mất hút luôn. Thầy Hiệu Phó vào lớp tôi họp khẩn. Tôi đang cầm quả pháo giựt. Thầy cao 1,4m nên chả nhìn thấy Thầy vào, tôi giựt pháo nổ “đoàng một cái” thì thấy sau gáy đau đau, hóa ra Thầy đang sách tai tôi đứng dậy, lôi lên phòng Giám Hiệu. Tôi bị đuổi học một tuần. Càng sướng vì từ nay chả phải học. Bác tôi trước kia làm Phòng giáo dục Huyện, nên quen hết các Thầy. Thế là tôi lại được tha. Hứa không tái phạm. Năm ấy, tôi học lực trung bình, hạnh kiểm yếu. Lưu ban. Mẹ tôi lại đến nhà Thầy chủ nhiệm, xin cho tôi. Thầy chủ nhiệm thương tình, cho tôi thêm một phết, lên học lực trung bình. Còn hạnh kiểm thì không cho được. Thầy bảo tôi đi rèn luyện hè. Thực chất là đi dọn vệ sinh ở mấy cái hố xí trong trường. Ngày ấy chưa có hố xí tự hoại như bây giờ. Cả Thầy và trò “tiểu và đại” cùng một chỗ vung vãi cả. Có lần đang học, nghe đánh “oạch” rôi “kêu oái oái”. Cả máy lớp kéo ra xem, thì hóa ra một bạn xinh lắm “kiêu kiêu” khi bọn tôi ghẹo, “xòe” ra nhà xí. Nhìn bạn ấy mà thương, tóc tai, tay chân, trên má cũng dính một ít. Vừa đi vừa khóc ra bãi lấy xe đạp phóng về. Từ hôm sau chả thấy kiêu nữa, dịu dàng hẳn.
Học hay đi Bộ Đội?
Thấy tôi học chả nên thân, Mẹ tôi bảo thôi học lên lớp hết cấp rồi đi Bộ Đội. Tôi thấy mấy anh cạnh nhà, đi Bộ Đội về, đen nhẻm, có anh còn bị ghẻ. Nghĩ đi Bộ Đội cũng khổ, nhưng làm gì còn đường nào? Năm ấy lớp 11, thằng bạn nối khố nói với tôi “đi học tiếng Anh không? Bố tao bảo xin cho vào làm khách sạn.” Tôi về hỏi Bố tôi, con đi học tiếng Anh Bố ạ. Bố tôi bảo “học được thì ấm vào thân. Bây giờ Mỹ dỡ cấm vận rồi. Tao vừa thấy vô tuyến đưa tin Tổng Thống Bin-Cờ-Lin-Tơn nói…” Thế là cuộc đời bắt đầu thay đổi từ đây hay sao, giờ tôi cũng không biết rõ nữa. Định mệnh hay sao. Chỉ biết là tôi thích thú vì tiếng Anh là môn tôi ghét và sợ. Có ông Thầy dạy thì chả dạy, toàn dọa, làm tôi lại càng chả muốn học. Nhớ mãi mỗi lần đi muộn, muốn vào lớp thì phải nói bằng tiếng Anh. Trong mấy đứa, tôi chả nói được nên đứng ngoài cửa sổ. Cô bạn lớp trưởng beo béo viết mấy chữ vào tờ giấy ném ra cho tôi. Tôi đọc to và chả hiểu sao Thầy cho vào lớp. Hóa ra, bạn tôi viết “Mây Ai Cà Mín”. Mãi sau tôi mới biết câu đó là “May I come in?” Từ hôm đó, tiết tiếng Anh nào tôi cũng nói câu này, Thầy hài lòng lắm. Có lần gọi tôi lên trước lớp kiểm trả bài cũ, hỏi tôi “con khỉ tiếng Anh là gì”, tôi bảo em chưa học đến. Thầy cho hẹn tiết sau trả lời. Tôi cũng thoát.
Tôi và thằng bạn đạp xe ra trung tâm học Sờ-Chim-Lai A (Streamline A). Hôm đầu vào lớp, tôi choáng lắm. Thầy toàn nói tiếng Anh. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy người Thầy ấy phát âm cũng được. Từ vựng phong phú ra phết. Dạy bọn tôi quả Kiwi, quả ổi, quả bưởi. Tôi học các câu hỏi, chào, thời tiết, sở thích. Có lần thầy hỏi ai đặt một câu theo mẫu “have you got” tôi xung phong và nói “Have you got a girl friend?” Cả lớp cười ầm ĩ. Thấy bảo hay. Và thế là từ hôm ấy tôi có hứng học hẳn. Về nhà đêm nào cũng đọc oang oang cả nhà. Bố Mẹ tôi thấy vui vui vì 16 năm qua mới thấy tôi học. Bố tôi ra trường Sư Phạm Ngoại Ngữ mua cho tôi băng cát-xét giáo trình Sờ-Chiêm-Lai A, B, C. Tôi nghe có 1 tháng hết cả ba giáo trình. Từ vựng và bài khóa được dịch sẵn tiếng Việt. Tôi cứ thế học thuộc lòng. Nghe đến đâu học đến đó. Chả hiểu sao cái đầu “bã đậu” của tôi dạo này nó lại nhiều “óc đậu” thế, tôi thuộc hết cả. Có cuốn ngữ pháp của tác giả “Nguyễn Khuê”, tôi đọc nát ra. Toàn tự học, có ai dậy đâu, mà biết hỏi ai? Đến lớp thì có 45 phút. Đến nhà Thầy học thì lười. Cứ ngồi nhà, hết đọc “Vang Bóng Một Thời” của cụ Nguyễn Tuân, lại đeo tai nghe tiếng Anh. Chả biêt sao học lại vào và thuộc hết cả bài khóa lẫn từ vựng. Bố Mẹ tôi vui lắm, từ hôm đấy xin tiền đi học tiếng Anh là cho ngay. Tôi bỏ hết chơi bời, ở nhà luyện tiếng Anh, luyện văn, lười luyện toán. Thầy giáo tiếng Anh không biết sau 3 tháng hè tôi đã tiến bộ, đến giờ học buổi đầu lớp 12, Thầy gọi tôi lên bảng chữa bài tập. Tôi viết ra một cái bảng, Thầy có vẻ hơi hóa mắt vì không dám tin. Thầy dạy bọn tôi từ kỳ II năm lớp 11 và tiếp tục lên lớp 12. Thầy bảo “a, cái anh này khá”. Hôm sau tôi được gọi vào đội tuyển tiếng Anh của nhà trường. Thấy các bạn giỏi quá, tôi bỏ chả thèm theo học. Về nhà mua sách Sờ-Chiêm-Lai Dê luyện tiếp. Chị tôi học trong Nam ra, mang cho tôi cuốn từ điển bé xíu, tôi tra nát cả từ điển, đánh dấu nguệch ngoạc. Có lân cao hứng tôi xé luôn một trang từ điển mang theo để học thuộc. Thế mà thuộc hết, dù chả hiểu gì mấy. Có nhiều từ đến hôm nay vẫn nhớ.
Đậu đại học và làm giảng viên
Tôi thi đỗ hai trường đại học điểm khá cao. Cả họ nhà tôi đến ăn cỗ mừng nhâp học. Vào trường, tôi thấy đời thênh thang quá. Cánh cổng đại học mơ ước đây rồi. Vào lớp, tôi sốc. Nghe chả hiểu gì cả. Đọc thì tàm tạm. Nói thì trung bình. Làm thế nào đây? Tôi chả có chút cảm hứng gì ngồi trên lớp. Như tra tấn. Học thế nào đây, nhìn vào cái gì cũng toàn từ mới, chả hiểu. Thằng bạn tôi nó bảo trên thư viện học hay lắm. Có CNN. Tôi leo lên đó với nó, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến Kênh Truyền Hình CNN. Nhìn các news ankor (phát thanh viên thường trú) và news correspondents (phát thanh viên trực tuyến) thật hiện đại, nói hay qua, phát âm chuẩn tiếng Anh Mỹ. Tôi nhận ra đây là nguồn học liệu quý báu. Thế là ngày nào tôi cũng lên thư viện ngồi nghe. Chả hiểu gì cả. Tôi thu âm mang về nhà nghe. Tôi có anh bạn học trường ngoại giao, rất giỏi tiếng Anh. Cuốn tuần tôi lại đạp xe vào tận nhà anh, nhờ nghe giúp, nhờ sửa bài viết, và học lỏm được chữ nào hay chữ ấy. Nhờ anh tôi mới biết thu VOA (Đai phát thanh tiếng nói Hoa Kỳ) và BBC (Kênh phát thanh của Công Ty Phát Thanh và Truyền Hình Anh Quốc). Tôi thu vào các băng cát-xét và nghe đi nghe lại. Đêm nào cũng thức đến 1h sáng để thu bằng được Bài Xã Luận (Editorial) để sang hôm sau có tư liệu nghe. Tôi chép ra vở, nhưng không nghe hết vì vướng từ mới nhiều. Có lần tôi đi mua sách cũ ở số 180 Bà Triệu, cửa hàng của bác Dư Chém. Bác này hay lắm, khinh người ra mặt, mặt to như cái bánh bẻng, vai đồ sộ như cái tủ lạnh, mũi sần như quả cam, mắt đỏ ngầu, trán hói, ai mới gặp lần đầu thì phát khiếp, nhưng sau vài lần tiếp xúc, tôi thấy bác Dư thật sự là con người uyên bác vô cùng, hiểu biết thiên kinh vạn quyển đáng nể phục để tôi học hỏi. Từ đó, tuần nào tôi cũng ra thăm hiệu sách của bác mấy lần, tôi nhìn thấy đống báo cũ toàn là the Economist, the Times, the Far Eastern Economic Review, the Newsweek….có 2,000 đồng một quyển. Tôi mua cả đống mang về, đọc thì thấy có các bài viết nói về vấn đề mà tôi đang nghe mà không thủng. Từ đấy tôi phát hiện ra cách học mới, “Nghe và Đọc” cùng một chủ đề liên quan. Tôi học say mê. Không muốn ra khỏi nhà vì còn phải đọc. Mùa hè đến chia tay bạn gái xong, là tôi lại lao vào học. Cuốn sổ ghi từ mới của tôi đầy ắp, khi tốt nghiệp tôi có tới hơn 10 cuốn đầy ắp từ mới. Chiếc cát-xét Bố tôi mua cho đã bị gãy nút “tua” (rewind) vì nghe nhiều quá. Sau này, khi tốt nghiệp Mẹ tôi bán báo cũ cân được hơn mấy chục kg.
Cuộc đời cho tôi nhiều may mắn. Tôi gặp được Thầy tôi. Thầy dạy tôi làm người. Dạy tôi làm nhà khoa học. Tốt nghiệp ra trường, sau một thời gian tôi được mời về làm giảng viên. Tôi vui sướng vì đây là niềm mơ ước bấy lâu. Gia đình tôi tự hào. Bạn bè ngưỡng mộ. Tôi trở thành một câu chuyện để bạn bè kể. Ai cũng biết đến năm lớp 11, tiếng Anh của tôi chỉ 3.9. Thế mà đến lớp 12, đã là 8.9. Tôi có thằng bạn dạy tôi toán học để thi đại học. Ngày nào tôi cũng bám rịt lấy nó để hỏi. Nó bắt tôi về học lại “hằng đẳng thức đang nhớ”. Tôi nghe nó về học, hôm sau nó cười bảo, thế mà mày cũng nghe tao. Từ đó nó dậy tôi siêng năng. Tôi đỗ đại học là nhờ nó. Tôi gọi nó “bằng Anh”.
Tôi được phân vào Tổ Thực Hành Tiếng. Dậy vui nhưng chán vì chả thấy tiến bộ gì nhiều. Sau một năm, nhà trường phân tôi lên Tổ Phiên Dịch. Tôi sướng như phát điên. Vì hồi đó có giáo viên trẻ nào mà được dậy biên-phiên dịch đâu. Dịch khó lắm. Đó chính là thời gian tôi rèn luyện, tu dưỡng bản lĩnh. Tôi đi dịch nói kiếm tiền. Dịch cabin được trả nhiều tiền lắm. Tiền có bao nhiều, tôi mua sách, mua đĩa Toefl về luyện để xin học bổng đi Mỹ. Tôi thích Mỹ từ nhỏ. Ngày xưa hồi những năm 80, có đoàn khách Mỹ về thăm làng tôi, tôi chạy theo gọi “Liên Xô”, một bác da trắng mắt xanh to cao quay lại nói với tôi “No, U.S.A”, rồi cho tôi một bức ảnh Quốc Hội Mỹ (sau này tôi mới biết). Tôi chạy về hỏi Bố tôi U.S.A là gì, Bố tôi bảo là nước Mỹ (giặc mà con). Tôi bảo, bố có ghét giặc không? Bố tôi bảo “chiến tranh qua rồi, ghét gì nữa. Tao thích mặc áo Na-Tô.” Trên áo Na-Tô có in chữ U.S.A.
Tôi đi học Mỹ học…
Từ bé thích nước Mỹ, lớn lên vào Đại Học tôi càng thích nền giáo dục của Mỹ. Hiện đại và cấp tiến tôi chỉ biết có thế. Đã sang đâu mà biết để nói. Đi Mỹ thế nào đây? Có lần tôi ướm thử với Mẹ tôi, “Mẹ bán nhà cho con đi Mỹ học, sau này về con mua lại nhà to hơn.” Mẹ tôi bảo “có giỏi thì xin học bổng mà đi, vác tiền nhà đi thì có gì là vinh dự.” Tôi cười không nói gì…
Ước mơ du học Mỹ của tôi chưa bao giờ dừng lại. Tôi mơ thấy cánh cửa đại học Mỹ mở ra rồi khi thức dậy là thấy cuộc sống còn nhiều bộn bề, vất vả. Tôi lo đi dịch kiếm tiền giúp gia đình. Chị tôi ốm yếu ra vào bệnh viện thường xuyên. Bố tôi làm công chức, ông hiền lành, lương ba bọc ba đồng chả đủ để chúng tôi đóng học. Mẹ tôi một thân chạy chợ nuôi ba chị em khôn lớn. Những ngày tôi ngồi trên ghế đại học, là những ngày Mẹ tôi vất vả, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nuôi ba chị em tôi. Mẹ bỏ chợ làng, ra Hà Nội bán hàng. Mẹ tôi có duyên, nên đi đâu cũng được quý mến. Đội bảo vệ ở một khu chợ nhỏ, lụp xụp gần cơ quan Bố tôi cho Mẹ ngồi tạm ở một góc chợ bán hàng. Cứ sáng sớm, tôi lại đạp xe ra đó, dọn hàng cho Mẹ, xong xuôi tôi đến lớp. Tôi ngồi học mà không yên tâm, môi khi trời sầm sì muốn mưa, tôi lao vội ra dọn hàng đỡ Mẹ. Có hôm chạy không kịp, gió lớn thôi bay hàng hóa mỗi thứ một nơi, bụi mù mắt. Hai Mẹ con chạy như cờ lông công nhặt nhạnh lại. Cứ thế, Mẹ tôi nuôi chúng tôi thành trưởng thành.
Tôi vẫn mơ sang Mỹ học…
Tôi có người chị gái thân thiết làm ở Đại Sứ Quán Mỹ, bảo tôi là xin học bổng Fulbright đi. Chị gửi cho tôi đường link. Tôi cũng chả nghĩ mình xin được đâu, vì Fulbright cao quý thế, tôi đỗ sao nổi. Tôi vào và đăng ký. Chả hiểu sao lai được gọi đi thi tiếng Anh. Mọi việc cứ đến một cách thuận lợi. Tôi vượt qua các vòng thi tuyển, đến vòng viết luận và chuẩn bị hồ sơ. Viết gì đây? Tôi thao thức cả tháng, đêm nào cũng nghĩ, lúc nào cũng nghĩ. Đang đêm chồm dậy lấy bút giấy ra chép suy nghĩ. Thế Giới Phẳng. Tháng 4/2005, cả thế giới náo nức đọc “The World Is Flat” (Thế Giới Phẳng) của Thomas L.Friedman. Ông là nhà báo làm việc cho tạp chí Times. Ông đi khắp nơi và viết về thế giới. Ông nói “Thế Giới này phẳng”, không vật cản. Ngồi ở Ấn Độ làm việc cho Phố Wall. Ngồi ở Philippines trả lời điện thoại cho New York.
Nghe cũng hợp lý. Hóa ra Thế Giới Phẳng thật. Không lồi lõm như ta nghĩ. Có nhiều người không đồng ý. Joseph E. Stiglitz viết cuốn “Making Globalization Work” (Làm Cho Toàn Cầu Hóa Phát Huy Hiệu Quả). Thầy tôi (Giáo sư Gary S.Fields, giáo sư kinh tế Đại Học Cornell) bảo Stiglitz không đồng quan điểm với Friedman nên viết ra cuốn này. Tôi có đọc vì đây là tài liệu học của lớp kinh tế bên Cornell.
Essay của tôi…
Viết gì đây? Cuốn Thế Giới Phẳng thực sự là nguồn cảm hứng bất tận cho tôi. Tôi đọc đi, đọc lại. Thế Giới Phẳng thật sao? Khoảng cách địa lý không còn khi người ta sống trong Internet. Mọi người đều có thể thực hiện được ước mơ. Tôi có ước mơ. Đi Mỹ học. Một hôm, bổng dưng tôi nghĩ mình sinh ra như thế, chả chịu học hành gì, rồi bổng dưng lại thích học. Tôi bật dậy cầm bút viết “Tôi sinh ra khi Việt Nam ở ngã tư đường, tiến lên phía trước bằng những chính sách đổi mới, hay tụt lại phía sau vì những tư tưởng bài ngoại. Khi bức tường Berlin sụp đổ, chiến tranh lạnh tan rã, cha tôi, một cựu chiến binh nói với tôi, thời đại đã thay đổi, con đi học tiếng Anh đi. Nghe lời cha, tôi đạp xe 20 km ra Hà Nội học chỉ mong thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực. Trong đầu tôi vang lên một câu thành ngữ “Có chí thì nên”.” Và cứ thế tôi tuôn trào, tôi kể về cuộc đời tôi, về khát vọng vươn lên số phận nghèo nàn và tối tăm.
Tôi kể về những ngày tháng học tiếng Anh, tôi viết “Ngày đầu tiên vào lớp học, tôi bị sốc vì phương pháp dạy và học ở Việt Nam. Cô giáo mang một chiếc đài cát-sét cũ kỹ và bật lên cho chúng tôi nghe. Giáo trình thì biên soạn từ những năm 70. Loa đài dè dè, băng cát-sét thì cũ và có chỗ bị nhàu nên không nghe thấy gì. Tôi tự hỏi học kiểu gì đây? Tôi thầm ước, nếu sau này tôi trở thành giảng viên đại học, tôi sẽ dậy học sinh theo cách khác, thực tế hơn, sáng tạo hơn….” Tôi nói về Việt Nam, về những khó khăn của thế hệ chúng tôi, về tình hình chung của đất nước. Tôi thể hiện một niềm tin chắc chắn về tương lai của Việt Nam và về kế hoạch tương lai của bản thân mình. Tôi hứa đi học về sẽ đóng góp hết lòng để phát triển đất nước. Tôi viết gần 2000 chữ. Quy định của Fulbright chỉ cho 800 chữ. Nhiều đứa cắt xén bài để nộp. Tôi nộp bản giấy. Tôi mặc kệ quy định, tôi in hết ra kẹp vào hồ sơ. Tôi nghĩ thế nào chả có người đọc. Hóa ra họ đọc thật. Chương trình Fulbright là học bổng danh giá, do cố Thương Nghị Sỹ James William Fulbright sáng lập vào năm 1946 nhằm mục đích thúc đẩy giao lưu văn hóa và giáo dục để các dân tộc hiểu nhau hơn. 5h chiếu ngày hạn chót, tôi phóng xe lên cửa sau Đại Sứ Quán Mỹ nộp. Trên đường về nghĩ vẩn vơ nếu ông bảo vệ quên hồ sơ của mình thì sao. Hóa ra chả ai làm thế, mấy ông trẻ trâu cữ nghĩ linh tinh.
Chính thời gian vắt óc viết Essay này, tôi nhận ra mình cũng thuộc loại biết viết tiếng Anh một chút. Tôi dùng ngôn ngữ của văn học để kể về bản thân, về cuộc sống, về khát vọng và mục tiêu tương lai. Sau này nhiều người nhờ tôi và tôi giúp sửa bài essay. Tôi giúp khá nhiều, gọi là sửa essay nhưng tôi viết lại toàn bộ câu chuyện của họ, công thêm trí tưởng tượng của mình. Tôi viết bằng giọng thống thiết ca cẩm để các trường thương và cho học bổng. Điểm GPA thấp thì tôi viết riêng một thư giải thích về thang điểm Việt Nam. Ở Việt Nam mà được 10 điểm thì khó lắm (chả biết bây giờ thầy cô còn khó không, chứ ngày xưa thì gần như không thể.) Nếu được 8 điểm thi khi quy đổi sang điểm của Mỹ mới tương đương với điểm B. Thế là chỉ trung bình thôi, các trường top chả nhận. Tôi viết và thuyết phục các trường rằng 8 điểm ở Việt Nam là giỏi rồi, bằng điểm A- bên Mỹ đấy. Thế mà các trường chấp nhận nghe. Trong số những người tôi giúp, có người vào được Harvard, có người vào Đại Học Luật Fordham, Michigan. Một em vào được Oxford học kinh tế.
Tôi đỗ Fulbright trong sự vui mừng của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người yêu quý tôi (người ghét tôi tự nhiên lại quay ra quý vì sự kiện này). Tôi không bất ngờ vì tôi tin tôi sẽ đỗ ngay từ sau cuộc phỏng vấn dài hơn một giờ đồng hồ. Có hai người phỏng vấn tôi, một Mỹ một Việt, mặt mũi nghiêm trọng lắm. Bước vào phòng phỏng vấn có nhiều người run rẩy, không biết bắt đầu thế nào. Tôi vào phòng, nhìn hai vị, tôi cười tươi và chào họ. Không đợi họ hỏi, tôi đã bắt đầu câu chuyện ngày bằng câu hỏi xã giao “Ông sang Việt Nam lâu chưa? Thời tiết oi bức quá, ông có thấy quen không?….” Thế là chúng tôi bắt đầu say sưa nói chuyện. Vị giáo sư đó hỏi tôi tiếp “trong bài viết tôi thấy em viết câu này, em có quan điểm như thế nào mà lại viết thế?…” Tôi trả lời “tôi xin đính chính, tôi không viết như thế, mà tôi viết như thế này cơ…” Người đó mỉm cười. Sau này tôi mới biết thủ thuật của họ là thử hỏi chi tiết về bài Essay xem người đối diện có phải là tác giả thực sự của bài đó không. Chúng tôi ngồi nói chuyện về kinh tế Việt Nam, về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của Việt Nam, về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cái gì cũng về Việt Nam. Có lẽ họ quan tâm nhiều đến Việt Nam và ưu ái chúng tôi.
Sau này tôi gặp lại vị giáo sư đó tại nhà riêng của cựu Đại sứ Michael Marine. Chúng tôi ngồi ăn tối cùng bàn. Ông vẫn nhận ra tôi sau gần một năm. Chúng tôi lúc này ngồi với nhau thật đầm ấm và thân thiện. Ông hỏi tôi sẽ vào học ở đâu. Tôi khoe với ông tôi sẽ vào học kinh tế ở trường Cornell. Ông òa lên ngạc nhiên và nói đó là trường tốt lắm đấy. Tôi hỏi ông còn nhớ lúc phỏng vấn tôi không. Ông nói nhớ chứ, và tủm tỉm cười. Ông khoe lần này sang Việt Nam để dậy Bệnh học (Pathology) tại trường Đại học Y Tế Cộng Đồng. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau.
Vào Ivy-League Cornell University…
Sau một năm chuẩn bị, tôi được nhận vào trường Cornell, một trong 8 trường Đại Học danh giá của nước Mỹ mà thuộc nhóm trường Ivy-League (có tám trường là Havard, Yale, Princeton, Cornell, Dartmouth, Brown, Colombia, U.Pen). Mấy trường này ngày xưa tập hợp lại chơi thể thao với nhau, lập thành một League. Sau này họp kín với nhau cùng tăng, giảm học phí. Chất lượng giáo giục thì tuyệt vời. Ít nhất đã đào tạo được một kẻ đần như tôi.
Nói thật là ở Việt Nam ngày ấy chả mấy người biết đến Ivy League. Cứ bảo đi học Mỹ là thấy kinh rồi. Giáo dục Mỹ nhìn chung thì tốt thật, học thật, làm thật và chơi thật. Nhưng không phải chỗ nào cũng thế. Nhiều cha mẹ cố tống con sang Mỹ bằng được chỉ để vào một trường cao đẳng cộng đồng (community college). Mấy trường này thì địch sao nổi Ngoai Giao, Ngoại Thương, Bách Khoa và Y-Dược ở ta. Nói thế cũng chả biết thế nào. Nhưng nước Mỹ rộng quá, mỗi bang có tới hàng trăm trường lớn nhỏ, biết chọn trường nào tốt để vào học là một chiến lược.
Giáo dục đại học của Mỹ thì tốt, nhưng nghe nói cấp III (high school) thì tệ, nhất là trường công lập (state schools). Nước Mỹ lo lắng vì bọn trẻ không chịu học toán, sợ toán từ bé. Tôi có nhà bà con ở California, nhà có 2 thằng trẻ con, từ bé đã ôm con búp bê biết nói, câu cửa miệng nó nói là “Math is difficult” (Toán khó lắm). Nước Mỹ khủng hoảng về toán (America is in numeracy crisis). Có lần nhà báo kỳ cựu Lary Kinh, trong lần phỏng vấn với tỷ phú Bill Gate, có đặt câu hỏi về giáo dục của Mỹ đáng lo ngại thế nào, Bill Gate mỉm cười “chỉ cần 20% số sinh viên [Việt Nam], Trung Quốc, Ấn Độ…tốt nghiệp và ở lại Mỹ làm việc, thế là đủ nhân tài. Tôi thêm Việt Nam vào vì tôi mong ông nói câu ấy, nhưng ông chả nói, lúc ấy tôi hơi bực ông :).
Các trường đại học Mỹ rất thú vị. Con gà tức nhau tiếng gáy. Các trường Ivy-League chả ông nào chịu kém ông nào. Ông nào cũng giỏi hết. Có năm Harvard bị U.S News đánh tụt xuống hạng hai và Yale lên số một, bên Harvard tức tưởi lắm. Cornell thì đẹp lung linh, nhưng lại nằm ở chỗ hẻo lánh quá, với lại thời tiết thì lạnh phát khiếp, làm cho mấy ông giáo sư đầu ngành và Nobel chả dám đến. Có năm mất đến mấy ông giáo sư bỏ đi, thế là bị tụt hạng. Mấy ông giáo sư còn lại cũng tức lắm, sinh viên thì chán nản vì thua bạn kém bè. Có lần tôi hỏi về chuyện này, vị giao sư kia nói “quan tâm gì cái bọn U.S News, Cornell vẫn là Cornell.” Thế cũng phải, mình học đâu thì học cho tốt, chứ quan tâm gì thứ hạng. Ông học trường top 1 mà ông lười, thì cũng vứt đi.
Hệ thống thư viện Cornell thì số một nước Mỹ, nói chủ quan thì là số một thế giới. Ừ thì tại Cornell đất rộng bằng mấy cánh rừng ghép lại, nên muốn xây bao nhiêu thư viện mà chả được. Sách thì nhiều vô kể. Tôi đi mượn sách mà thư viện hết sách, thì họ sẽ vay sách từ nơi khác về cho mình. Sách thì muốn lấy bao nhiều thì lấy. Thư viện này không có, thì sang thư viện bên cạnh. Hồi mới sang, tôi tham vác một gùi sách về, nặng gãy cả lưng, có đọc hết đâu. Ngồi ngăm sách cũng đủ no, chả cần ăn. Hâm thế là cùng. Sách mang về lắm rồi lười mang trả vì nặng. Thế là trên tài khoản sinh viên thấy hiện tiền phạt. Tôi mượn sách rồi quên không trả. Hồi tốt nghiệp, thư viện đòi sách tôi, tôi cứ khăng khăng là trả rồi. Thư viện không đòi nữa, lúc dọn hành lý về, tôi mới thấy 2 cuốn sách đó vẫn còn trong đống sách ở nhà, tôi cầm về Việt Nam làm kỷ niệm, một thời ăn học tại đại học danh giá này.
Ở Cornell, nếu tinh ý thì chả mất tiền ăn trưa, vì chỗ nào cũng có hội thảo, hội nghị. Cứ vào đấy mà lấy thức ăn, chả ai hỏi gì. Bọn bạn Mỹ toàn rủ tôi đi dự hội thảo vào giữa trưa (thực chất là giả vờ làm người dự hội thảo), vào lấy thức ăn ngon lành, tiết kiêm được khối tiền (cười). Đúng là phải lần mò, chịu khó thì thấy nhiều cái hay cái vui. Cornell có nhiều quán ăn ngon. Nếu ăn đồ Mỹ thì ra Big Red Barn chỗ bọn bạn Mỹ hay ngồi buổi trưa và tối. Nếu muốn ăn đồ Việt thì chạy ra College Town, có quan Việt Nam ở đó. Có mấy anh người Việt gốc Hoa, đi khỏi Việt Nam sau năm 75, tiếng Việt vẫn dung tàm tạm vì sinh viên Việt Nam ra đó ăn, và ngồi hóng chuyện. Anh người béo trắng, răng giả đeo cả hàm. Được cái làm món cơm gà nước tương thì ngon thôi rồi. Tôi với thằng bạn làm tiến sỹ khoa toán (thằng này thân lắm, nó mới về Việt Nam cưới vợ không thì hâm mất) hay rủ nhau ra ăn cơm trưa, 7.5 đô la một xuất, ăn vẫn thòm them. Vợ anh chủ quán không nói được tiếng Việt, toàn bắn tiếng Quảng Đông xủng xoảng, lủng lẳng. Bọn bạn Mỹ bảo tôi là tiếng Việt của mình nghe cũng giống tiếng của mấy bà đó, tôi không tin. Hỏi thằng bạn Nhật bên cạnh nó cũng bảo giống. Tôi bảo giống sao được, bọn tao khác bọn Trung Quốc chứ!
Tôi vào Cornell, theo học Kinh Tế (Economics). Tôi là dân ngôn ngữ, sao lai đi chọn kinh tế trên nền toán học. Tôi điên rồi. Tôi lại thích sự điên đó. Tôi cứ học……Tôi thích làm cái khó, thách thức trí tuệ tôi. Học cái gì mà không hiểu gì mới gọi là đi học. Tôi đến gõ cửa phòng Giáo Sư Gary Fields (mỗi sinh viên được giao một Giáo sư phụ trách). Giáo Sư Fields đầu bạc trắng. Ông sinh cùng thời với Tổng Thống Bill Clinton. Cả hai ông đều thuộc thế hệ bùng phát trẻ em (babyboomer) sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Giáo sư Fields tốt nghiệp Tiến Sỹ Kinh Tế Đại Học Michigan, một trong những Đại Học lớn nhất vùng Trung Tây nước Mỹ, mà có lần cố Tổng Thống Kenedy gọi đây là Havard của Trung Tây (Havard of Mid-West). Năm 25 tuổi, ông đã là Giáo sư kinh tế Đại Học Yale. Ông là vị Giáo sư đáng kính trọng ở Cornell. Cánh cửa phòng mở ra, Giáo sư Fields đon đả mời tôi ngồi. Nhìn ông thân thiện, nụ cười luôn thường trực. Ông hỏi tôi vì sao lại chọn kinh tế học, trong khi các bạn khác chọn Quản trị nhân sự hay các ngành khác. Tôi bảo “thừa Thầy em thích học kinh tế”. Thầy hỏi tiếp “em đã học được bao nhiều giờ kinh tế rồi”. Tôi đáp “em chưa từng học một giờ nào”. Ông thoáng lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng lại ôn tồn nói tiếp “Không sao hết, em hãy đến gặp ngay Giáo sư Jennifer Wissink.” Bà tốt nghiệp Khoa Kinh Tế trường Đại học Pensylvania. Tôi đã chậm mất 2 buổi học, nhưng Bà vẫn nhận tôi vào. Và cứ thế tôi lao đầu vào học..quên ngày tháng…
Đúng là dân ngôn ngữ đi học kinh tế thì khác nào đâm đầu vào đá. 90% nội dung là toán học. 10% còn lại là chữ, nhưng cũng là diễn nôm mô hình toán bằng văn xuôi. Tôi học lớp kinh tế level 400, chả hiểu gì. Nào là “Consumer Surplus” nào là “Dimishing Marginal Return” rồi còn Envelope Theorem in Constrained Maximization, còn nhiều lắm. Tôi học 48 tín chỉ, khoảng 24 lớp trong 4 học kỳ. Một đống lý thuyết trong đầu chả để làm gì. Trong 5 học kỳ tôi ở Cornell, thì cả 5 học kỳ như bị thần kinh, nhưng vui. Tôi học tất cả những môn về kinh tế (bây giờ giở sách ra mới nhớ là đã học). Kinh tế vi mô, vĩ mô, tài chính công, kinh tế phúc lợi, kinh tế lao động, kinh tế lượng, toán tuyến tính, ma trận…..Người ta học cái để ra làm việc. Còn tôi học cái để mà học. Đúng là hâm lắm.
Cornell là trường đại học lớn top 10 thế giới (bây giờ tụt hạng một chút, nhưng Ivy-League chả quan tâm xếp hạng của bọn US. News gì đó. Vì Ivy-League vẫn mãi là danh giá (đấy là họ tự nhận họ thế thôi, còn tôi thấy cũng vẫn thế, vẫn nông dân như hồi 20 năm trước.) Được cái Cornell tọa lạc trên một quả đồi, có triền dốc thoải mùa hè cỏ xanh biếc, các nữ sinh nằm cởi trần phơi nắng. Nhìn đẹp nhưng mà hoa hết cả mắt. Có lần tôi và thằng bạn đi chợ, về đến dốc, táo rơi tung tóe vì hoa mắt. Táo lăn đến tận bên cạnh các cô. Hai thằng đi nhặt táo.
Cornell nằm ở Ithaca, hạt Tompkins một thành phố nhỏ thuộc miền trung tiểu bang New York. Nơi đây mùa hè thì thơ mộng, hoa lá cành chim hót líu lo. Nhưng đến mua đông thì lạnh thấu xương, tuyết rơi có năm tới đầu gối. Bão tuyết, cả trường nghỉ ở nhà. Cả hội lại tụ tập bên nhà tôi ăn uống, hát hò. Tôi chủ xị mọi cuộc vui như thế, anh em đến giờ vẫn gắn bó (qua facebook) lắm. Nơi đây vốn là đất của người da đỏ cả ngìn năm. Cho đến khi người Châu Âu đặt chân đến, người Cayuga Indian vẫn chiếm giữ đất này. Ithaca đẹp đến nghiêng thành. Thác nước, hẻm núi, vách đá, hoa lá, chim muông chen lẫn nhau rất sinh động. Từ Ithaca đi đến thác Niagara Fall chỉ mất khoảng 4 tiếng lái xe. Giá như nơi đây chỉ có mùa hè và mùa thu thì chả muốn đi đâu sống nữa. Con người ở đây thì nhân hậu. Tôi có nhiều người bạn thân là dân Mỹ sống ở Ithaca và bạn học cùng lớp thân thiết.
Tôi lại lao vào học, vẫn mấy môn kinh tế mà tôi yêu thích. Vốn đã khó, nay lên cao lại càng khó. Đầu tôi như đất thó, vỡ ra từng mảng, trơ lại bộ óc. Tôi học kinh tế, nhưng lại cứ sang thư viện trường luật học. Hồi ở Việt Nam tôi đang học dở trường luật thì bảo lưu đi Mỹ. Phòng đào tạo cho tôi bảo lưu 2 năm. Sau này vì thế mà tôi phải đấu tranh mãi mới được thi tốt nghiệp. Thầy cô trường luật có ơn với tôi nhiều vì đã tạo điều kiện để tôi đi học và sau này về lại tạo điều kiện để tôi tốt nghiệp. Tôi mon men đọc sách luật. Đọc các tác phẩm kinh điển của Giáo sư Corbin về Hợp đồng. Tôi thích đọc các cuốn Legal Writing, Law and Economics (Luật và Kinh Tế). Tự nhiên tôi thấy luật và kinh tế lại gắn với nhau đến thế, dù cấu trúc ngược hẳn nhau. Nếu luật dựa trên nền ngôn ngữ đến 90% thì 90% nội dung của kinh tế là toán học. Chả hiểu sao tôi thích cả hai. Chỗ nào nhiều toán quá thì học được đến đâu thì học. Chả ép bản thân nữa. Tôi bắt đầu dự định cho một cuộc hành trình tiếp theo là sang trường luật và trở thành luật sư…
Và tôi đã sang Boston học luật… bắt đầu một hành trình đầy giông bão của phần tiếp theo cuộc đời, nhưng rồi mọi việc đã tốt đẹp, và The Ivy-League Vietnam đã ra đời bằng đam mê cháy bỏng của đời tôi….
Nguồn: Giang Nguyễn – Ivy League Việt Nam
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!