Lịch sử lương của ứng viên – Nhà tuyển dụng có thực sự cần biết?

Rất nhiều trường hợp nhà tuyển dụng “quan tâm” đến lịch sử lương của ứng viên, chí ít là trong công việc hiện tại hoặc cả lịch sử làm việc, ở các mức độ khác nhau. Có nhà tuyển dụng hỏi ứng viên khi phỏng vấn, có trường hợp lại yêu cầu ứng viên điền theo form của họ, thậm chí là bắt buộc. Đã đến lúc nói lên sự thật ảnh hưởng đến những người tìm việc làm ở khắp mọi nơi, về vấn đề này. Một nhà tuyển dụng, trong rất nhiều trường hợp họ không quan tâm đến việc bạn đang kiếm được bao nhiêu mỗi tháng, hay kiếm được bao nhiêu từ công việc cũ.
nhà tuyển dụng cần biết gì về ứng viên, nhà tuyển dụng, ứng viên tiềm năng, thỏa thuận lương khi phỏng vấn, lương thỏa thuận
Bất kỳ ai (bao gồm cả cá nhân và tổ chức) xứng đáng với danh xưng “Nhà tuyển dụng” nên tìm kiếm các thông tin liên quan của bạn tại bản CV, thư xin việc (Cover letter) hay hồ sơ chính thức của bạn (Profile) ở các trang uy tín, như linkedin chẳng hạn, và tự tìm ra bạn có giá trị như thế nào, và liệu có phù hợp với vị trí mà họ đang tìm kiếm, hoặc đôi khi không phải vị trí trống đang tuyển dụng, mà là một vị trí trong tương lai gần mà họ cần. Đó là bước đầu tiên, sau đó, thông qua bài test đầu vào, hoặc/và phỏng vấn trực tiếp, họ sẽ tìm hiểu rõ hơn, hoặc làm rõ những điểm còn “ngờ ngợ” trước khi quyết định có đặt vào tay bạn Thư nhận việc (Offer Letter) hay không. 
Tác giả nói như vậy với hàm ý rằng, việc họ đang có mức lương nào, hay đã từng nhận những mức lương nào, thực sự là không cần thiết; bởi các lẽ sau:
(i) Nhà tuyển dụng có khung lương cho vị trí đó, và thường đã công khai khi thông báo tuyển dụng. Ngay cả thông báo tuyển dụng là “Thỏa thuận” (Negotiable) thì thực tế, họ đã có khung nhất định rồi. Và nếu ứng viên có rất xuất sắc (ở mức over qualified) thì nếu cần thiết, để thu hút nhân tài, Nhà tuyển dụng có thể chấp thuận mức lương cao hơn cả mức trần cho vị trí đó, và vẫn đúng quan điểm là Thỏa thuận. Như vậy, việc biết mức lương của ứng viên không có nhiều ý nghĩa.
(ii) Giả định rằng Nhà tuyển dụng muốn biết mức lương hiện tại hoặc trước đó của ứng viên để “nắn” ứng viên chấp thuận mức lương thấp hơn giá trị thực họ đáng được nhận. Ví dụ lương hiện tại của ứng viên là 20.000.000 VND (Net), vị trí đó có mức trần là 35.000.000 VND. Nhưng do Nhà tuyển dụng đã biết mức lương hiện tại của ứng viên chỉ là 20 triệu đồng, nên dù rất ưng họ, vẫn “gò” ứng viên và chỉ chấp thuận mức 25.000.000 VND. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Ứng viên có thể chấp thuận. Nhưng khi vào làm việc, với khối lượng và yêu cầu công việc, họ có thể nhận ra đã bị hớ, và nếu có thông tin để họ biết, và thường là sẽ biết, rằng vị trí đó có trần là 35.000.000 VND. Liệu họ có toàn tâm làm việc? Hay sẽ âm thầm tìm kiếm bến đỗ khác?
(iii) Mức lương hiện tại của mỗi người phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trình độ, kiến thức, kỹ năng, tham vọng và đôi khi cả “sức ì” của chính ứng viên đó. Không phải ngẫu nhiên mà một trang web nổi tiếng về tuyển dụng khuyên ứng viên nên đi tìm việc ngay cả khi công việc và mức lương đang rất tốt. Bởi lẽ, nhiều người do rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, nên đã không tự tìm cách định giá giá trị của mình bằng cách đi phỏng vấn. Và họ chịu giữ mức lương nào đó, có tăng chậm theo hàng năm cho tới khi đi tìm việc mới. Ở trường hợp này, mức lương hiện tại cũng không có ý nghĩa nhiều. Họ có thể đáng giá hơn mức đó rất nhiều, nhưng cũng có thể không còn đáng so với cái giá ấy. 
Ở khía cạnh khác mang tính cá nhân, không ai và không có lý do nào để Nhà tuyển dụng yêu cầu thông tin về mức lương hoàn toàn mang tính cá nhân của bạn. Họ có thể hỏi, nhưng không thể bắt buộc bạn phải cung cấp như nhiều trường hợp. Một ngân hàng để quyết định có giải ngân một khoản vay cho bạn không, họ có thể hỏi điều đó, chứ không phải là Nhà tuyển dụng. 
Tiếc là, rất nhiều trường hợp Nhà tuyển dụng hoặc Đơn vị tìm kiếm nhân tài (Head Hunter) lại vẫn làm điều đó. Họ sẽ nói với bạn đại loại là: “Tôi không định đề cập đến mức lương hiện tại của bạn, nhưng khách hàng của chúng tôi yêu cầu như vậy”. Khách hàng ở đây là Giám đốc nhân sự hay Trưởng bộ phận của công ty đang tuyển dụng vị trí nào đó. Thực tế là họ có thể yêu cầu biết mức lương của ứng viên, có thể không. Và người phỏng vấn bạn hoặc Đơn vị tìm kiếm nhân tài có thể nói thật, hoặc đang nói dối bạn.
Nói cho cùng, nó cũng không khác nhau lắm! Bạn không nên đặt niềm tin hoặc thương hiệu chuyên nghiệp của mình vào tay một Nhà tuyển dụng bán chuyên hay không có sức nặng đó. Bạn có thể từ chối nêu ra mức lương hiện tại và: (i) khẳng định bạn xứng đáng với mức lương họ đưa ra trong mục thông báo tuyển dụng, hoặc (ii) sẽ thỏa thuận mức lương khi phỏng vấn, khi bạn biết rõ họ cần một người như thế nào, và công việc đó đáng được trả bao nhiêu?, hoặc (iii) bạn dành thời gian cho một nơi khác xứng đáng hơn. 
Thực tế rất nhiều ứng viên buộc phải nói ra thu nhập của mình, bởi họ chưa đủ tự tin để lựa chọn một trong ba cách giải quyết trên. Bạn hãy cố gắng đừng để mình giống họ.
Nhà tuyển dụng hoặc Đơn vị tìm kiếm nhân tài cũng như chính ứng viên chỉ và chỉ nên nói sự thật, không nên nói ra điều mà bên còn lại muốn nghe. Bất kỳ bên nào trong ba bên nói trên nên giữ im lặng, hay nói không đúng sự thật chỉ vì lo sợ “thương vụ tuyển dụng” đó không thành.
Sẽ không khó khăn để nói ra sự thật rằng bạn không tiết lộ thông tin về mức lương hiện tại, nếu bạn đủ tự tin một cách có căn cứ về khả năng của mình, và hãy cố để đạt được điều đó. Bạn có thể tham khảo thêm làm thế nào để Nhà tuyển dụng tìm kiếm bạn ở đây.
Ở vị trí của Đơn vị tìm kiếm nhân tài, họ cũng nên từ chối các Nhà tuyển dụng câu hỏi về mức lương hiện tại của một ứng viên tiềm năng. Thay vào đó, họ nên nói với Nhà tuyển dụng rằng họ sẽ đánh giá và tư vấn cho Nhà tuyển dụng, liệu rằng mức lương mà ứng viên đó đề nghị, hoặc Nhà tuyển dụng sẵn sàng trả có thực sự phù hợp. Đây là lý do cần có những nhân sự thực sự có phẩm chất và trình độ ở vị trí đại diện cho một đơn vị tìm kiếm nhân tài. Nhân sự này cần đủ giỏi, và hơn cả là khách quan.
Thay cho lời kết, một cuộc phỏng vấn thành công nên bắt đầu bằng “khoảng lương cho vị trí này là…” thay vì “mức lương hiện tại của bạn là bao nhiêu?” Và, bạn có quyền giữ thông tin về mức lương hiện tại cho riêng mình và tìm kiếm một Nhà tuyển dụng xứng đáng với bạn!
Anh Đỗ

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *