(ikienthuc.com): Bàn về văn hóa đọc và văn hóa viết, hiếm thấy bài viết nào chất lượng và tâm huyết như bài này, chúng tôi đã được sự chấp thuận của tác giả và thể hiện sự trân trọng người viết, chúng tôi giữ nguyên văn bài viết này để chia sẻ dưới đây tới đông đảo bạn đọc:
Khi tôi nhen nhóm ý tưởng thực hiện dự án Sách ơi mở ra và mở những lớp dạy kĩ năng đọc đầu tiên, chồng tôi nói: kĩ năng đọc là cái gì, sao phải học, sao em không dạy Văn cho dễ hiểu.
Rõ ràng là, dạy văn theo sách giáo khoa thì thuận lợi hơn, khỏi phải nghĩ nhiều, không mất công phải biên soạn chương trình, không phải giải thích dài dòng cho phụ huynh, cơ hội kiếm tiền vì thế cũng nhiều hơn. Nhưng tôi cảm thấy đó không phải con đường dành cho mình.
Là bởi vì, tôi cũng đã từng được người nhà nhờ dạy Văn, nhưng trời ơi, đến lớp 10, 11,12 mà các em đọc ít quá, không tự viết nổi một đoạn văn ngắn, vì đã quen đọc chép và không biết gì hết ngoài mấy bài trong sách giáo khoa, mà cũng chỉ là ghi nhớ những gì cô giáo giảng. Khi học Đại học Sư phạm Ngữ văn rồi, mà các sinh viên của tôi đại đa số không đọc thêm gì ngoài sách giáo khoa phổ thông. Tôi nhận thấy nếu mình cứ đi vào con đường mòn đó, thì sẽ rất uổng phí thời gian của các em mà lại chẳng khác nào xây nhà từ trên nóc.
Sau này, rất nhiều phụ huynh than với tôi rằng, con nhà chị viết văn tệ quá, nhờ cô giúp con viết tốt hơn. Phần lớn mọi người đều không biết được rằng, vấn đề không nằm ở việc viết, mà vấn đề thực sự của con nằm ở chỗ con có cái gì để viết ra hay không. Bởi viết thực chất không đơn thuần là vấn đề kĩ thuật, nếu dạy viết thuần túy như một thứ kĩ thuật, thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bản chất của việc viết là một quá trình tự bộc lộ, là quá trình chuyển hóa toàn bộ những suy nghĩ, hiểu biết cảm xúc, trải nghiệm, ấn tượng bên trong ra bên ngoài, dưới dạng ngôn ngữ viết. Như vậy, có hai quá trình đã bị ẩn đi trong bóng tối, bên trong sự viết của trẻ: quá trình tích lũy kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, cảm xúc và quá trình tích lũy từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt. Viết chỉ là thành quả ngắn ngủi diễn ra trong thời khắc của những quá trình lâu dài hơn, diễn ra âm thầm bên trong một đứa trẻ.
Stephen D.Krashen, cha đẻ của lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ thứ hai và người sáng lập phương pháp tiếp cận tự nhiên, người khởi xướng phương pháp dạy ngôn ngữ kết hợp với kiến thức được áp dụng rộng rãi trong các trường học ở Mĩ cũng như khắp thế giới, đã lí giải trình tự tự nhiên của việc thụ đắc ngôn ngữ, đó là đi từ INPUT (đầu vào) đến OUTPUT (đầu ra). Trước khi một con người có thể bộc lộ ngôn ngữ ra bên ngoài, thì dứt khoát cần có một quá trình tích lũy ngôn ngữ ở bên trong.
Giả thiết ĐẦU VÀO (Input hypothesis) của ông cho rằng chúng ta sẽ tích lũy ngôn ngữ qua các kênh nghe, đọc, xem. Và sự tích lũy này sẽ đạt tới hiệu quả cao nhất khi chúng ta tiếp xúc với một nội dung khó hơn một chút so với trình độ hiện tại của chúng ta. Như vậy, để có thể đạt tới trình độ cao trong quá trình tích lũy này, ta phải thường xuyên nghe, xem, đọc những nội dung khó và tìm cách để hiểu nghĩa của chúng. Khi sự tích lũy này đạt tới một chất lượng nào đó, thì các chức năng nói, viết sẽ tự động hình thành mà không cần được dạy, và như vậy, kĩ năng nói và viết bao giờ cũng hình thành muộn hơn rất nhiều so với kĩ năng nghe và đọc. Quá trình tích lũy đầu vào này chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi nội dung được tiếp xúc có thể hiểu được, gây hứng thú, không có trình tự văn phạm cụ thể và lượng đủ lớn. Bên cạnh đó, cảm xúc cũng có một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình này. Cảm xúc chính là cái mà ông gọi là một “bộ lọc” khiến cho cho ngôn ngữ được tiếp nhận trong não bộ hay sẽ bị gạt ra. Trong đó, các yếu tố như động lực, sự tự tin sẽ là dẫn xuất tích cực để quá trình tiếp nhận ngôn ngữ trở nên thuận lợi, đạt tới hiệu quả cao nhất. Ngược lại, sự lo sợ sẽ cản trở quá trình tiếp nhận ngôn ngữ.
Tôi nhớ lại quá trình phát triển ngôn ngữ của mình. Suốt từ năm lớp 1 đến lớp 3, tôi không hề có biểu hiện gì của một học sinh giỏi Văn. Suốt thời gian đó, tôi nạp vào rất nhiều. Ngoài báo Nhi đồng là thứ báo được mẹ tôi đặt hàng tuần cho hai chị em đọc, tôi đã ngốn hết cơ man nào là Tâm thần học, Tâm lí học lứa tuổi (sách của bố), các loại truyện kinh điển của nhà xuất bản Cầu vồng như Bánh mì vĩnh cửu, Bác sĩ Aibolit, Cuộc phiêu lưu của Nam tước Myuhausen. Tôi chép chính tả hàng ngày bằng Tuyển tập thơ Nguyễn Bính (vì chữ tôi quá xấu và sai chính tả be bét)…. Và đến năm lớp 3, bỗng nhiên tôi có nhu cầu được viết. Tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên cho mục Kể chuyện theo tranh trên báo Nhi đồng, rồi sau đó tự viết những bài thơ đầu tiên để gửi cho báo Nhi đồng. Lên lớp 5, khi đọc được nhiều hơn nữa, những cuốn sách rất hay và rất dày, tôi bắt đầu thấy trong mình có rất nhiều suy nghĩ và bắt đầu có nhu cầu viết nhật kí. Càng đọc, tôi càng muốn viết. Khi có một cái gì đó đang đầy lên bên trong, tôi có nhu cầu được bộc lộ chúng ra bên ngoài. Và từ năm lớp 7, khi bắt đầu học chuyên Văn, được đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, thì nhu cầu viết lại càng mạnh mẽ hơn nữa. Đến năm lớp 10, tôi bắt đầu có những đồng nhuận bút đầu tiên nhờ những bài viết đăng trên báo Hoa học trò.
Quá trình viết này gần như độc lập với việc học viết văn trên lớp. Nó là một nhu cầu tự thân, từ bên trong, được bật ra khi sự tích lũy đã đủ đầy, khi thế giới tinh thần bên trong ngày càng trở nên phong phú. Từ những trang viết đó, tôi nhìn thấy chính con người của mình, với những suy tư, mơ mộng, xung đột và non dại của một thời tuổi trẻ nông nổi.
Quá trình tương tự cũng diễn ra với tất cả những con người bình thường khác cũng như với những nhà văn nổi tiếng.
Trong “Nhật kí Anne Frank”, cô bé Anne đã phải sống lẩn trốn trong một căn nhà phụ suốt gần 2 năm trời để thoát khỏi sự truy sát của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai vì cô là người Do Thái. Trong suốt khoảng thời gian này, cô bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cuộc sống của cô ngày càng trở nên chật chội và ngột ngạt. Thứ duy nhất để kết nối cô với cuộc sống bên ngoài là những cuốn sách được mượn từ thư viện dưới danh nghĩa một nhân viên của bố cô, người đã che chở cho cả gia đình cô và một ô cửa sổ nhỏ mở ra khoảng trời mênh mông ở tầng áp mái. Cuốn nhật kí là người bạn duy nhất để cô có thể chia sẻ những tâm sự thầm kín của mình. Đọc cuốn nhật kí, ta có thể thấy trong vòng hai năm, dù không hề được dạy dỗ chi hết về kĩ thuật viết văn, nhưng năng lực viết của Anne đã tiến bộ vượt bậc. Con người bên trong cô đã trưởng thành một cách vô cùng nhanh chóng để đạt tới những nhận thức vô cùng sâu sắc về bản thân cũng như về thế giới. Chỉ hoàn toàn bằng con đường tự học và tự đọc, Anne đã thực sự đạt tới độ chín trong văn chương. Cuốn nhật kí của cô, được xuất bản sau khi cô qua đời trong trại tập trung của phát xít Đức, đã làm rung động toàn thế giới và cũng thường được coi là một trong những tác phẩm văn học điển hình của thể loại nhật kí.
Macxim Gorki kể lại trong “Thời thơ ấu”, rằng điều kì diệu nhất đối với ông là từ nhỏ, tuy sống trong môi trường nhem nhuốc của những người dưới đáy, nhưng ông đã được đọc những cuốn sách rất hay. Mỗi cuốn sách mở ra cho ông cả một thế giới rộng lớn, khơi dậy trong ông hoài bão vươn lên trong cuộc sống, đánh thức những cảm xúc tốt đẹp trong con người ông, và thôi thúc ông viết để bộc lộ toàn bộ thế giới tinh thần đó ra bên ngoài. Và sách chính là thứ đã cứu vớt toàn bộ cuộc đời ông. Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp, nhưng chính việc đọc đã khiến Macxim Gorki trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Nga.
Những câu chuyện thực tế này khiến cho tôi luôn tin rằng, con đường tự nhiên để hình thành cái gọi là năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ là từ INPUT đến OUTPUT, từ tích lũy đến bộc lộ, từ tiếp nhận đến tạo lập. Muốn một đứa trẻ có thể làm chủ được ngôn ngữ của mình, cần bắt đầu bằng việc dạy cho chúng biết tiếp nhận ngôn ngữ một cách hiệu quả thông qua kênh xem, nghe và đọc. Nghe ở đây không đơn thuần là nghe bằng tai, nghe âm thanh, mà là quá trình nghe hiểu. Và đọc ở đây không đơn thuần là đọc bằng mắt, mà là quá trình đọc hiểu, là quá trình mà đứa trẻ huy động toàn bộ kiến thức nền, những kinh nghiệm, năng lực tư duy, vốn từ vựng và sự hiểu biết ngữ pháp… để lí giải văn bản. Và như vậy, việc dạy nghe hay dạy đọc, về thực chất là quá trình huy động toàn bộ sức mạnh tinh thần để tiếp nhận thông tin. Và việc này lặp lại càng nhiều, tới một mức độ nào đó, sẽ mài sắc năng lực tư duy, mở rộng vốn từ vựng, ngữ pháp, làm giàu cảm xúc, gia tăng kinh nghiệm sống…, những nền tảng không thể thiếu để con có thể nói tốt, viết tốt trong giai đoạn sau này. Trong suốt quá trình này, thì cảm xúc luôn là một chất xúc tác vô cùng quan trọng để gia tăng hiệu quả của quá trình tích lũy.
Tuy nhiên, vì quá trình tích lũy này diễn ra trong một thời gian dài, và điều đặc biệt là nó diễn ra trong bóng tối mà không bộc lộ ra bên ngoài, nên rất khó có thể nhận ra sự thay đổi của đứa trẻ. Trong suốt giai đoạn tích lũy này, đứa trẻ dường như không hoạt bát hơn trong việc nói năng, cũng chưa chắc đã có nhu cầu được viết, vẫn viết lách lộn xộn và kết quả học tập môn văn dường như không cải thiện. Theo nhà ngôn ngữ học Stephen Krashen, quá trình này thường diễn ra trong vòng 6 tháng, lâu hay mau tùy thuộc vào lượng ngôn ngữ mà trẻ nạp vào và ông gọi đó là giai đoạn im lặng.
Trong suốt giai đoạn im lặng này, tuy bề ngoài ngôn ngữ của trẻ dường như không có gì thay đổi, nhưng thực chất quá trình thụ đắc ngôn ngữ vẫn đang diễn ra một cách vô cùng sôi động ở bên trong. Trẻ liên tục thu nhận và xử lí thông tin mà nó tiếp nhận được, để cất trữ vào trong bộ nhớ, để hình thành những kho chứa ngôn ngữ bí mật cho toàn bộ quãng đường sau này. Montessori cũng nhắc đến giai đoạn im lặng trước khi trẻ biết nói, giai đoạn chuẩn bị cho sự bùng nổ về ngôn ngữ sẽ diễn ra vào thời điểm trẻ được hai tuổi rưỡi.
Vì thế, đọc đã rồi hãy viết. Các phụ huynh cũng như các giáo viên nên tôn trọng tiến trình thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên đó của trẻ, không nên vì những mục đích thực dụng trước mắt mà can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển đó. Hãy kiên trì khuyến khích, kiên trì chờ đợi, và cho trẻ được cơ hội tự tạo dựng nên một thế giới tinh thần phong phú bên trong, trước khi đòi hỏi những sự bộc lộ hời hợt bề ngoài. Cái gọi là năng lực ngôn ngữ hoàn toàn không đồng nhất với kết quả học tập môn Ngữ văn. Giống như việc chăm sóc một cái cây, việc tạo nên một bộ rễ và thân cây khỏe mạnh để cái cây tự vươn lên hấp thụ ánh sáng và dưỡng chất quan trọng hơn nhiều so với việc bón phân đạm để thúc cây mau lớn, việc tạo nên một năng lực ngôn ngữ thật sự quan trọng hơn rất nhiều so với việc đạt tới những thành tích phù phiếm. Và tôi nghĩ, đó mới là con đường mà những nhà giáo dục chân chính và những bố mẹ hiểu biết cần theo đuổi.
Chúng tôi rất lấy làm vui mừng nếu bạn đang đọc đến đây. Bởi lẽ không phải ai cũng dành thời gian quý báu của mình lâu như vậy để đọc đầy đủ bài viết này. Nhưng một khi đã làm vậy, điều đó thể hiện rằng bạn chính là một trong số không nhiều người quan tâm thực sự đến những giá trị tốt đẹp, và lo lắng cho tương lai của thế hệ sau.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm các chia sẻ của tác giả – Facebooker Nguyễn Ngọc Minh tại đây
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!