VỤ ÁN ĐINH LA THĂNGVẤN ĐỀ THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM
Để thể hiện sự tôn trọng tác giả Tường Hứa – người tôi đã có duyên diện kiến, ikienthuc.com chỉ hiệu đính lại vài lỗi nhỏ do tác giả có lẽ không quá trau chuốt khi “kể chuyện”, 98% còn lại, chúng tôi giữ nguyên văn. Xin trân trọng giới thiệu và chia sẻ cùng bạn đọc.
Xin chúc mừng cho giới luật sư Việt Nam!
Những ngày qua, khi nghe vụ việc ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên ủy viên BTC, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bị bắt và khởi tố hình sự, mình cảm nhận được là vấn đề “thượng tôn pháp luật” đang có chiều hướng được thực thi ở Việt Nam. Và sáng hôm nay, lại được tin là luật sư Phan Trung Hoài đã được mời bảo vệ quyền lợi cho Đinh La Thăng – lại thêm một “thắng lợi” nữa cho “anh” Thượng tôn pháp luật ở Việt Nam – Như vậy, có thể thấy là vị thế của luật sư Việt Nam đang được nâng lên, được tôn trọng theo pháp luật, và được thật sự chấp nhận là bên gỡ tội dưới “mắt” của Đảng và Nhà nước.
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi mình còn đang hành nghề tại Việt Nam, cũng có nhiều kỷ niệm đẹp về nghề nghiệp, mà nhớ nhất là việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong một vài vụ án, trong đó có một vụ án mà mình có hân hạnh được tiếp xúc với luật sư Phan Trung Hoài – khi đó còn là Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.
Vụ án thứ nhất mà mình tham gia bảo vệ quyền lợi là vụ “Thánh đường Hồi giáo kiện người thuê mặt bằng” mà tổng giá trị tranh chấp vào khoảng 7 triệu USD tính vào thời điểm năm 2003.
Trong vụ án này, mình là đại diện cho Ban quản trị của Thánh đường Hồi giáo tại cấp sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM và sau đó là tại cấp phúc thẩm Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM (hình như bây giờ đã đổi tên là Tòa án cấp cao!).
Thực tế, vụ án này kéo dài tổng cộng 10 năm, và mình chỉ được mời tham gia từ giai đoạn sau 03 năm, tức là trong 07 năm còn lại.
Trong giai đoạn 03 năm trước đó, vụ án dường như là đi vào bế tắc, và phần thua hoàn toàn thuộc về bên nguyên đơn là Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo, và Ban quản trị đã xem như họ chấp nhận thua kiện, mất luôn mặt bằng diện tích trên 1.000 m2 tại một vị trí đắc địa nhất trung tâm quận 1, TP.HCM, bên cạnh đó họ còn phải trả thêm tiền cho bên bị đơn.
Thật ra, trước đó Ban quản trị Thánh đường đã “chạy chọt” nhờ vả rất nhiều luật sư, các cơ quan ban ngành, như Văn phòng Luật sư Trịnh Đình Ban…, nhưng sau khi nhận hồ sơ, không biết các văn phòng luật sư này tìm hiểu vụ việc như thế nào, mà tất cả đều “bất lực” rút lui, và trả hồ sơ và phí tạm ứng lại cho Thánh đường.
Qua đó có thể thấy, vụ án có tính chất vụ cùng phức tạp, “dính líu” tới nhiều thành phần…
Bị đơn là một “cặp” chị em ruột người Hải Phòng, cũng thuộc dạng “nghiêng nước nghiêng thành” , có thể “lật thùng đổ nước” dễ như trở bàn tay. Vào lúc đó, mình thật sự không hiểu nổi là tại sao gần như tất cả các ban ngành từ trung ương đến địa phương lại cố tình bảo vệ cho chị em cô này, bất chấp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có vị có chức có quyền còn “hy sinh thân mình, sự nghiệp” để “cứu chúa” nữa mới kinh khiếp…Vậy nên mới thấy “nội công” của chị em cô bị đơn là “vô cùng thâm hậu”, họ có mối quan hệ vô cùng “sâu” và “đậm” đối với các vị có thẩm quyền, đặc biệt là các vị nam giới!
Bởi vậy nên, khi nhận bảo vệ quyền lợi cho Thánh đường Hồi giáo, mình đã lường trước được khó khăn, gian khổ, sự nguy hiểm cho tính mạng… và có phần còn phưc tạp hơn “vụ Bụi đường Chương Mỹ” nữa, vì có tính chất nhạy cảm mà. Tuy nhiên, mình đã khẳng định bằng văn bản là mình chỉ biết “sống và làm việc theo pháp luật” thôi, không liên quan và quan tâm đến các vấn đề khác như tôn giáo, chính trị,…
Quả thật, mình bị áp lực rất lớn khi tham gia vụ án này, bị đe dọa, chụp mũ, quy chụp tứ tung (vụ án có tính chất nhạy cảm mà!), như “cây ngay không sợ chết đứng”, và nên khi mình tuân thủ pháp luật, và làm những gì pháp luật cho phép, thì mình không phải sợ gì cả. Cũng vì trong vụ án này, mà mình có nhiều cơ hội được diện kiến và tranh luận học thuật với nhiều quan chức, như Trưởng phòng cơ quan CSĐT CA TP.HCM, vài vị bên BCA, Vụ trưởng các vụ liên quan của chính phủ, chánh tòa, phó chánh án của TAND TP.HCM, tòa phúc thẩm TANDTC, trưởng ban biên tập các tờ báo như Báo Công ý của TANDTC, báo Bảo vệ pháp luật của VKSNDTC… và phần thắng trong tranh luật học thuật luôn thuộc về mình (vì trước khi đến, mình luôn chuẩn bị kỹ lập luận và chứng cứ kèm theo mà!). Điều đáng nói là trong hầu hết các cuộc “diện kiến” này, mình toàn là phải chủ động gởi thư đề nghị đến cơ quan hữu quan để “được mời”, vậy mà một số cơ quan hữu quan còn né tránh, không chịu “mời” mình đến gặp…, mà nói thật là hồi đó mình “lì” lắm, không chịu mời mình là mình đến đứng chờ ngay trước cổng cơ quan, vậy là đành phải miễn cưỡng mời mình vào… vui lắm! Bây giờ nhiều vị trong số này chắc cũng đã về hưu cả rồi!
Phần thưởng là sự gian khổ của mình là bên nguyên đơn là Thánh đường Hồi giáo đã thắng kiện sau tổng cộng 10 năm theo đuổi vụ kiện.
Vụ thứ 2 là cũng là vụ việc liên quan đến chị em “mỹ nhân Hải Phòng” này, liên quan đế việc tranh chấp đất đai, công ty của một Việt kiều Canada, mà cặp chị em này là bên bị đơn. Trong vụ án này, mình có cơ hội được diện kiến và tham vấn nhanh chóng với luật sư Phan Trung Hoài, được bên nguyên đơn mời.
Không hiểu sao, mình cũng đã tham gia nhiều vụ án, nhưng đối với các vụ án lớn, phức tạp, những vụ “xương xẩu”, “thiên hạ chê bỏ” thì mới đến phần mình.
Trong vụ án này, Bên nguyên đơn cũng đã chạy nhờ rất nhiều luật sư danh tiếng, nhưng rồi “không hiểu sao”, họ lại không chịu nhận giúp, và cuối cùng bên nguyên đơn đã được chính một thư ký tòa án “có tâm” giới thiệu đến cho mình.
Trước đó, Bên nguyên đơn có nhờ luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ, và trên cơ sở đó, mình có dịp đến và tiếp xúc, tham vấn về vụ án trưc tiếp với luật sư, nói chung, sự góp ý của luật sư Hoài là ý nghĩa và có giá trị thực tiễn.
Vụ án này cũng kéo dài nhiều năm, và kết quả cuối cùng là phần thắng thuộc về bên nguyên đơn – người Việt kiều Canada mà mình bảo vệ.
Nhìn chung, các vị tiền bối luật sư Việt Nam có kiến thức chuyên môn pháp luật sâu, kinh nghiệm rộng, và đặc biệt là họ có được các các mối quan hệ rất giá trị, sâu rộng… giúp ích rất nhiều cho việc hành nghề.
Không như nhiều người nghĩ rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều lỗ hổng, mâu thuẫn, chồng chéo, thêm vào các mối quan hệ tình cảm phức tạp sẽ làm giảm đi hiệu quả hành nghề, vị thế của luật sư, mình thì hiểu ngược lại. Chính những lỗ hổng, những mâu thuẫn, chồng chéo này đã giúp cung cấp cho giới luật sư Việt Nam những công cụ, phương tiện hợp pháp tuyệt vời để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải cho thân chủ của mình, quan trọng là họ có biết tận dụng, “khai thác” nó hay không mà thôi. Ở Việt Nam có 02 cách để thắng một vụ kiện, đó là cách dùng các công cụ, phương tiện là các quy định pháp luật như Hiến pháp, luật…; và cách thứ 2 là sự dụng các mối quan hệ “thân thiết”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì cách thứ 2 hiệu quả hơn; nhưng cách thứ nhất vẫn luôn luôn được xem là hợp pháp và phát huy hiện quả cao nhất nếu luật sư biết cách vận dụng. Nếu như biết kết hợp “nhuần nhuyễn” 2 cách thì hiệu quả càng cao.
Bản thân mình, cách thứ nhất luôn là sự ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ thân chủ, bảo vệ công lý và lẽ phải!
Một chút kỷ niệm của ngày xưa!