Sự thay đổi tích cực ở trẻ là điều mà tất cả các bậc làm cha mẹ cũng như giáo viên mong đợi. Còn gì vui bằng một ngày kia, đứa trẻ nhút nhát lầm lì của bạn bỗng trở nên tự tin, vui vẻ, thằng con lười biếng của bạn bỗng trở nên tự giác học hành. Tất cả những gì mà chúng ta làm là cố gắng thúc đẩy cho sự thay đổi ấy. Các giáo viên trẻ thường rất nỗ lực để thi triển các kĩ thuật dạy học hiện đại nhằm giải phóng năng lực của trẻ. Các bố mẹ trẻ cũng không quản ngại vận dụng rất nhiều lý thuyết hòng mong con thay đổi mỗi ngày. Nhưng kinh nghiệm của người này không thể trở thành bài học đối với người kia. Thứ tỏ ra hiệu nghiệm đối với đứa trẻ này lại dường như vô tác dụng với đứa trẻ khác. Vậy đâu mới là vũ khí bí mật dẫn đến sự thay đổi bên trong mỗi đứa trẻ?
Tháp nhu cầu của trẻ em |
Khi quan sát khoảng 300 trường hợp trẻ có thay đổi tích cực sau một thời gian dài tiếp xúc, bằng việc ghi chép tỉ mỉ từng trường hợp đó trong một quá trình, tôi bắt đầu cảm nhận được rằng, trong mỗi đứa trẻ có một nút bấm bí mật nào đó mà nếu tác động đúng lúc, đúng cách, thì sự thay đổi diễn ra rất nhanh, rất sâu sắc, thậm chí đến mức thần kì. Nút bấm bí mật đó chính là cảm xúc. Nếu như các ông bố bà mẹ cũng như các giáo viên khơi dậy được những cảm xúc tích cực bên trong đứa trẻ: sự yêu mến, thích thú, lòng tự hào, sự tin cậy, cảm giác an toàn, sự tôn trọng… thì đứa trẻ sẽ thay đổi một cách tích cực. Ngược lại, tình trạng sẽ xấu đi nếu đứa trẻ bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tiêu cực như sự chán nản, tức giận, cảm giác lo lắng, sợ hãi, sự hoài nghi, cảm giác gò bó mất tự do… Vì thế, với cùng một chương trình giáo án, với cùng một bài học, cùng một kĩ thuật, cùng một kinh nghiệm thì sự tác động tới đứa trẻ là rất khác nhau, bởi những người lớn khác nhau.
Vậy điều gì có thể khơi dậy những cảm xúc tích cực bên trong một đứa trẻ?
Những cảm xúc tích cực sẽ xuất hiện khi các nhu cầu của con người được thỏa mãn. Theo Abraham Maslow trong cuốn “Lý thuyết về động lực của nhân loại”, con người ta có 2 loại nhu cầu chính: nhu cầu căn bản (nhu cầu vật chất như có đủ thức ăn, nước uống, có chỗ nghỉ ngơi, cư ngụ…) và nhu cầu bậc cao (nhu cầu được trực thuộc, được quí trọng, được thể hiện bản thân). Sở dĩ con người cảm thấy bất an, khó chịu, tức giận, phản kháng… phần lớn là do những nhu cầu này không được đáp ứng và ngược lại.
Khi dạy lũ trẻ con và cả sinh viên, tôi thường nói: Cô chỉ có một qui định thế này: nếu các con/ các bạn cảm thấy mệt và đói, khát nước hay buồn ngủ, hay đơn giản là muốn ra ngoài hít thở chút khí trời thì có thể xin phép. Con cũng có thể chợp mắt một lúc trong lớp vì ngủ gật một chút rất có lợi cho sức khỏe, cô sẽ không gọi con dậy. Thậm chí nếu muốn, con có thể nằm ở góc kia để ngủ một cách đàng hoàng. Bọn trẻ con tỏ ra ngạc nhiên, tưởng tôi nói đùa. Nhưng đó là tôi nói thật. Mỗi khi chúng ngủ gật trong lớp, tôi sẽ nhắc các bạn khác nói khẽ đi một chút, để không đánh thức bạn dậy. Hà cớ gì lại phải bắt bọn chúng căng mắt ra nghe giảng, trong khi điều mà cơ thể chúng cần nhất vào thời khắc đó là một giấc ngủ ngon. Hà cớ gì phải giam chúng trong lớp học, trong khi bụng chúng đang sôi réo và đầu thì mơ tưởng tới món gà rán ở nhà. Và chúng tỏ ra sung sướng lắm, khi có lẽ là lần đầu tiên có một giáo viên cho phép chúng được ngủ trong giờ học và được ra ngoài tìm đồ ăn.
Nhưng những nhu cầu bậc cao của con người thì tinh tế và phức tạp hơn nhiều. Tuy đứa trẻ nào cũng có nhu cầu được thuộc về một tổ chức, và vì thế đều sợ cảm giác cô đơn, bị ruồng bỏ và tẩy chay, đứa trẻ nào cũng có nhu cầu được quí trọng, tin tưởng, đứa trẻ nào cũng có nhu cầu được thể hiện năng lực của bản thân và được ghi nhận, nhưng mỗi đứa trẻ sinh ra trong các gia đình khác nhau, phải gánh chịu những tác động khác nhau từ môi trường, lại có những tổ hợp nhu cầu rất khác nhau.
Một em bé sinh ra trong một gia đình lục đục, thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, thì nhu cầu lớn nhất của nó là nhu cầu về sự an toàn. Nó muốn được ở trong một thế giới yên bình, không xung đột, nơi trái tim non nớt của nó được lắng dịu và an ủi. Một đứa trẻ luôn bị bạn bè trêu chọc và thầy cô gạt ra rìa thì nhu cầu mãnh liệt nhất của nó là được khen ngợi, tin tưởng, được coi trọng để nó có thể tìm được giá trị của bản thân. Một đứa trẻ luôn bị đe dọa bởi một cuộc sống bấp bênh, luôn luôn thay đổi thì nhu cầu lớn nhất của nó là tìm được một nơi trú ẩn và những mối quan hệ bền vững. Một đứa trẻ được chu cấp đầy đủ về vật chất nhưng thiếu sự yêu thương và quan tâm của người lớn thì chỉ mong muốn tha thiết có ai quan tâm đến nó, nói chuyện riêng với nó, hỏi han nó thường xuyên bằng một thái độ thân mật, chân thành. Khi bạn hiểu rõ nhu cầu thầm kín được chôn giấu sâu trong tâm hồn của đứa trẻ, bù đắp những thiếu hụt của nó và giúp nó tìm lại được sự cân bằng, thì những cảm xúc tích cực sẽ nhen lên trong trái tim chúng. Đó chính là nút bấm của sự thay đổi.
Khi đứa trẻ sống trong cảm xúc tích cực, chúng sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng. Cơ thể của chúng bắt đầu mở rộng một cách hào hứng để sẵn sàng đón nhận các kích thích từ bên ngoài: mắt chúng mở to và chăm chú, lưng thẳng và ngực hơi vươn về phía trước để đón nhận lượng oxy nhiều hơn. Lượng hoocmon đưa lên não nhiều hơn làm não bộ của chúng trở nên nhạy bén. Đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp thu tri thức hay hoạt động.
Ngược lại, khi đứa trẻ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối, chúng cảm thấy nguồn năng lượng trong cơ thể dường như cạn kiệt. Cảm giác chán nản, buồn bã khiến chúng trở nên chậm chạp. Cơ thể co lại trong tư thế của kẻ thất bại: mắt cụp xuống và vai thu lại, đầu gục xuống bàn và chân tay trở nên vụng về như bị trói chặt. Tư thế phòng thủ này khiến chúng không muốn đón nhận bất cứ thông tin gì từ bên ngoài và mọi sự tác động trở nên vô ích.
Tôi đã từng vui mừng biết bao trước những sự thay đổi kì diệu này. Đứa trẻ trở nên tự tin hơn sau vài lần được khen ngợi. Đứa trẻ nghịch ngợm hiếu động và hay chọc phá trở nên hiền hòa khi những bức bối trong lòng chúng được giải tỏa. Đứa trẻ khô khan, lãnh đạm, bất cần đời trở nên giàu cảm xúc và biết quan tâm đến người khác. Đứa trẻ cô độc, khép kín bỗng muốn mở lòng chia sẻ những điều chúng nghĩ với mọi người. Mỗi sự thay đổi dù rất nhỏ ở chúng giống như cái mầm cây non nớt tươi xanh đang vươn lên từng ngày để đón ánh mặt trời, khiến cho bạn cảm thấy yêu công việc của mình biết bao.
Cũng có những trường hợp tôi thất bại liên tiếp khi tìm ra các nút bấm, hoặc giả đã bấm đúng nút và đứa trẻ bắt đầu thay đổi. Nhưng giống như một mầm cây non, chúng vấp phải vô số những cản trở từ thế giới bên ngoài. Lòng tự tin vụt tắt khi chúng nghe thấy những lời phê phán đầy định kiến. Cảm giác tức giận lại nhen lên khi bị người khác trêu chọc. Và vì thế, đứa trẻ tiến được hai bước thì lại lùi một bước. Nó đã không đủ mạnh mẽ để chống đỡ với những va động tàn nhẫn của các yếu tố xung quanh.
Vậy làm thế nào để tìm ra nút bấm bí mật ấy?
Tôi vẫn nói với các giáo viên trẻ về tầm quan trọng của sự lắng nghe. Nói ít thôi, thể hiện mình ít thôi, hãy chú tâm vào từng đứa trẻ đang hiện diện trước mặt bạn. Chúng là một con người với thân phận, cảnh ngộ, năng lực và cảm xúc riêng. Hãy nhìn cách ăn mặc đi đứng của chúng, hãy nhìn thẳng vào mắt chúng và chờ đợi những câu trả lời ấp úng của chúng và lắng nghe thật sâu sắc và chân thành tất cả mọi dáng vẻ trên khuôn mặt chúng. Hãy lắng nghe hôm qua và hôm nay và ngày mai để nhận ra những thay đổi rất nhỏ tựa hồ như những cánh bướm non trong cái sinh thể bé bỏng đang đứng trước mặt bạn.
Khi thực sự lắng nghe, bạn sẽ cảm nhận được điều chúng thực sự mong mỏi, cũng như điều gì đang làm nặng trĩu trái tim chúng. Và bạn là người có trách nhiệm hàn gắn và nâng đỡ, và bù đắp, để chúng cảm nhận được chúng được an toàn, được yêu thương và tôn trọng, sự hiện diện của chúng trong cuộc đời thực sự có ý nghĩa. Nếu bạn không bù đắp được nhu cầu tinh thần của chúng trong một đám đông, thì có thể nói chuyện riêng với chúng, để lắng nghe và nâng đỡ.
Sự hỗ trợ từ phía phụ huynh cũng rất quan trọng, để phụ huynh có thể hiểu về nhu cầu thực sự của con mình và không vô tình gây ra những lực cản trong quá trình một chồi non đang hình thành và cần được che chở. Vì thế, nếu là một giáo viên, bạn cần chia sẻ ý kiến của mình với phụ huynh. Nếu là phụ huynh, bạn cần phải hợp sức với giáo viên. Với một đứa trẻ thì mái nhà và trường học là toàn bộ thế giới của chúng, và bố mẹ, thầy cô là đấng tối cao trong thế giới ấy.
Khi một cảm xúc tích cực được nhen lên, bạn cần chăm sóc, tưới tắm cho nó hàng ngày và che chắn nó khỏi những tác động xấu từ môi trường. Chính cái dòng sống mong manh nhưng mãnh liệt đó sẽ nuôi dưỡng nhân cách của trẻ, đánh thức tiềm năng bên trong chúng, và giúp chúng thay đổi. Bạn cần theo dõi sự biến đổi ấy, để sẵn sàng hỗ trợ khi cần.
Không có gì công phu hơn việc nuôi trồng một nhân cách. Vì thế không có gì hạnh phúc hơn việc được nhìn thấy sự thay đổi của đứa trẻ hàng ngày.
Nguồn: Facebooker Nguyễn Ngọc Minh
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!