MUỐN VIẾT ĐƯỢC TIẾNG ANH THÌ PHẢI HỌC TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO?
“Chúng ta hãy nhìn xuống ruộng lúa xanh mướt kia và hỏi con trẻ rằng con có biết để có ruộng lúa tốt tươi ấy, bác nông dân đã phải làm những công việc gì và đổ bao công sức vất vả như thế nào hay không?”
Nếu là tôi, tôi sẽ nói với bọn trẻ thế này: con hãy nhìn vào đám ruộng khô cằn bên kia cánh đồng. Những người nông dân sẽ phải cố cày vài bừa, con trâu đi trước, cái cày đi sau “cày xới” đám ruộng đó lên. Ban đâu là cày phá thành từng rãnh đất, sau đó phải đợi vài ngày cho đất khô xốp, rồi bác nông dân lại phải bừa tung những luống cày ấy lên, làm cho hòn đất to vỡ thành hòn đất nhỏ, hòn đất nhỏ vụn ra thành cám đất. Chưa xong đâu, bác nông dân phải đợi vài hôm để dẫn nước vào đám ruộng mà ở quê tôi các cụ gọi là “đổ ải”, ngâm cho đất mềm ra, rồi lại con trâu đi trước cái “bừa” theo sau, “bừa” cho nhuyễn đám đất ấy ra, sau đó tung phân bón đều đám ruộng thành lớp đất mầu mỡ. Vợ bác nông dân lúc ấy mới đem những cây mạ nhổ ở một đám “xuống mạ” để cấy vào đám ruộng… “đồng hợp tác quanh năm cấy cày thẳng tắp…”
Đây là cách mà tôi dạy bọn nhỏ học viết…
_________________________________
Học viết cũng như thế đấy các con ạ. Cho dù các con có học tiếng Anh bao nhiêu năm trước đó, nhưng nếu các con chỉ học mà không cày xới đám Ngữ-Nghĩa-Vựng-Pháp-Cú lên thì mãi mãi tiếng Anh cũng sẽ không bao giờ giỏi được, còn nói chi đến viết giỏi được. Đó là cách học tiếng Anh kinh điển mà tôi đang muốn truyền lại cho cả một thế hệ, một thế hệ đã quen với Internet, mở mắt ra là thấy điện thoại Iphone, nhắm mắt vào phải ngó qua cái Ipad, nằm là có cartoon channel bật lên trước mắt, đứng là headphone cắm tai để nghe…biết bao nhiêu công cụ đang hỗ trợ các con mỗi ngày. Nhưng kết quả là gì? các con chưa một lần học cày, học xới, học đào, học phá, học ghi, học chép tẩn mẩn, tỉ mỉ những bài văn, những câu hay, từ vựng lạ. Thế nên, khi các con đến lớp tôi đều hỏi “các con học tiếng Anh bao lâu rồi?” gần như 100% các con đều trả lời “con học từ 5 tuổi, con học từ 6 tuổi.” Nhưng thật buồn thay, các con không nhớ gì cả!
Nói các con không nhớ thì không hoàn toàn đúng. Các con có nhớ. Nhưng đó là dạng Ngôn Ngữ Tri Nhận “Cognitive Language”. Các con mới nhớ ở mức nhận biết được mặt chữ, mặt của chữ đơn giản thôi nhé. Khi yêu cầu các con đọc to bài văn lên, các con ngóc ngứ, đọc phát âm còn sai nhiều quá. Khi tôi hỏi chi tiết, gai góc về từng chữ, từng từ, từng cấu trúc, từng nét nghĩa, thì các con chịu chết không trả lời nổi. Đó là sản phẩm của 10 năm cha mẹ đưa đón các con đi học tiếng Anh. Có lẽ chưa ai dạy các con cách học của BÁC NÔNG DÂN hay sao? hay là chỉ có tôi xuất thân từ con nhà nông nên mới có kiểu học như thế để chỉ sau 4 năm ăn học, tôi đã có một bầu văn chương Anh Ngữ. 4 năm ngồi ghế đại học của tôi là 4 năm ăn ngủ với tiếng Anh. Tôi băm vằm từng câu, từng chữ, tôi đọc không hiểu nhưng vẫn thuộc, tôi nghe không thủng nhưng vẫn nghe. Tôi cứ làm thế đến một ngày kia, tôi chợt nhận ra mình nghe CNN, BBC đã hiểu, đọc the Economist cũng biết nhiều. Thế hệ tôi chưa có Internet để chui vào học. Chưa có Ipad để đọc, Iphone để nghe. Thế hệ tôi là học chay, học kiểu “mỗi hôm xé 1 trang từ điển mang đến lớp học thuộc. Học ngay cả lúc đi “poop”! Vì lúc ấy thật yên tĩnh.
Tôi xin chia sẽ tiếp về thế nào là “Ngôn Ngữ Tri Nhận”?
Đó là các con mở vở ra thì biết chữ đó và nhìn thấy nó quen quen, trạng thái “Dejavu” tiếng Việt gọi là “Ngờ Ngợ”. Nhưng các con chưa bao giờ nhớ như in tận ruột gan chữ ấy nghĩa là gì, cách dùng như thế nào, có bao nhiêu biến thể, có “thành ngữ, tục ngữ” nào đi kèm theo không? Khi gấp sách lại, các con không còn viết lại nổi chữ ấy nữa, và các con không có khả năng thuộc nổi những từ ngữ dài, phức tạp, nghĩa khó hiểu. Các con nên nhớ là tiếng Anh có tới hàng triệu từ mới (over 1,000,000 words), trong khi đó tiếng Việt chỉ có hơn 100,000 từ thôi. Cho nên tiếng Anh khó hơn rất nhiều. Nếu chỉ học “cưỡi ngựa xem hoa” thì mãi mãi các con mới chỉ đạt ở vòng ngoài, cái mà người ta gọi là “Vành đai ngôn ngữ”.
Vậy muốn viết được thì ngôn ngữ của các con phải đạt đến trình độ của “Ngôn Ngữ Sản Sinh” – Reproductive Language!
Nào, các con hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng ra xem bài đọc hôm nay trên lớp về chủ đề gì? các con có hồi tưởng lại được nội dung bài đọc đó không? các con có hình dung ra được những từ mới, những cấu trúc lạ mà các con đã gặp trong bài ấy không? các con có viết lại được vào cuốn sổ tay nhỏ bé hay không? Nếu các con muốn thấm sâu vào ngôn ngữ, các con phải học như bác nông dân cày ruộng. Các con phải ghi chép, phải nghĩ về những từ ấy một cách chủ động, các con phải tấn công nó, chứ đừng đợi nó tấn công mình. Có tấn công vào từ vựng, ngữ nghĩa, các con mới nắm bắt được hồn của ngôn ngữ, mới biết được chút ít để nhào nặn thành những bài văn.
Có nhiều Mẹ chia sẻ với tôi rằng “con nhà tôi đọc rất nhiều, nhưng sao vẫn không viết được?”
Đó là vì các con đọc nhiều mà nhớ ít. Đọc nhưng không một lần nâng từ điển lên tra từ mới, không một lần ghi chép những từ mới ấy vào cuốn sổ tay. Đọc xong rồi là quên ngay. Đọc không phải đọc sách, mà là lướt sách. Tôi vẫn luôn nói với các con rằng, tôi không cần các em đọc 1 cuốn truyện 1 tuần, mà tôi chỉ mong các em đọc cho tôi 1 chương 1 tuần, nhưng đọc cho nhuyễn, biết hết các nghĩa của từ, của câu, của đoạn. Lý Tiểu Long lúc sinh thời có nói một câu tôi khắc cốt ghi tâm: “tôi không sợ kẻ tập 1000 cú đã, tôi chỉ sợ kẻ nào tập 1 cú đã 1000 lần.” Có lẽ học tiếng Anh cũng vậy.
Các Mẹ hãy kiên trì vì tôi đang dạy các con theo cách bác nông dân cày ruộng… tuy hơi chậm nhưng sẽ rất sâu và bền. Cách đó là: “Hàn song khổ đọc, rèn văn giũa chữ”
Cách đó là ” đập tan một bài đọc vụn thành từng đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất là từ vựng và câu”, sau đó “học thật kỹ từng nét nghĩa, từng biến thể của từ và cách dùng của từ ấy” “học cả nội dung bài đọc để lấy vốn thông tin” “củng cố lại hiểu biết Ngữ-Pháp-Vựng-Nghĩa-Cú… phải làm như thế ngay từ hôm nay, thì bọn trẻ mới giỏi tiếng Anh thực sự, thực chất và khi vứt sách đi, chúng mới sáng tác được một cuốn sách khác của riêng chúng…
Các con đang học với tôi như thế và các con chắc chắn sẽ “đặt bút viết” sau khi tích đủ lượng… biến Ngôn Ngữ Tri Nhận thành Ngôn Ngữ Sản Sinh…
Vài lời chia sẻ tận đáy lòng với các Mẹ, các con về học tiếng Anh như bác nông dân…
Theo: Giang Nguyễn – Sáng lập Ivy-League Vietnam
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!