Quản lý thi công xây lắp dự án EPC – góc nhìn pháp lý
Xây lắp là tên gọi chung của hoạt động xây dựng và lắp đặt thiết bị được thực hiện theo đúng các trình tự, quy trình kỹ thuật chuyên biệt. Hoạt động xây lắp bao gồm từ công tác chuẩn bị, triển khai xây lắp đến lúc hoàn thiện và kết thúc dự án.
Đối với những kỹ sư được đào tạo chuyên ngành về xây lắp, để hiểu hết và cặn kẽ từng bước, từng giai đoạn, từng yêu cầu cụ thể và từng thuật ngữ trong hoạt động xây lắp đã không phải là đơn giản; do đó, đối với một Luật sư nội bộ, hoặc nhân viên pháp chế làm việc cho doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động xây lắp, vấn đề còn trở nên khó khăn hơn. Tuy thế, hiểu được những công tác chủ yếu trong hoạt động xây lắp lại là yêu cầu cần thiết, vầ hỗ trợ hiệu quả cho Luật sư nội bộ/nhân viên pháp chế không những tiếp cận nhanh vấn đề, hiểu được những yêu cầu của từng giai đoạn triển khai dự án, đối chiếu với các quy định pháp luật một các mạch lạc, mà còn, trong một số trường hợp, có thể nhìn ra những rủi ro, từ đó tìm cách khoanh vùng hoặc hạn chế chúng, giúp góp phần bảo vệ doanh nghiệp.
Hoạt động xây lắp có thể được chia thành 3 giai đoạn, hoặc 3 công tác: (i) giai đoạn chuẩn bị, (ii) giai đoạn thi công (gồm công việc xây dựng và công việc lắp đặt), và (iii) giai đoạn hoàn thiện và kết thúc.
Chúng ta lần lượt tìm hiểu từng giai đoạn:
1. Giai đoạn chuẩn bị:
– Lập các quy trình kỹ thuật thi công: bao gồm các hoạt động: nghiên cứu bản vẽ, tài liệu kỹ thuật, khảo sát hiện trạng công trình, khả năng về thiết bị thi công để biên soạn các quy trình kỹ thuật thi công phù hợp với thiết bị và nhân lực triển khai;
– Tổ chức bộ máy thực hiện xây lắp: căn cứ vào yêu cầu và phạm vi công việc để xây dựng mô hình tổ chức bộ máy tổng thầu EPC;
– Thiết kế và xây dựng công trình tạm: văn phòng công trường, kho bãi, hệ thống điện nước…;
– Xây dựng tiến độ cấp 2 (trong 4 cấp) để phục vụ cho cuộc họp Kick-off Meeting;
– Lập tiến độ huy động nhân lực và phương tiện thi công;
– Nhận mặt bằng công trình, mốc công trình và các điểm đấu nối (Tie-in).
2. Giai đoạn thi công
a) Công việc xây dựng:
– San lấp mặt bằng;
– Đóng cọc;
– Công tác nền móng;
– Công tác xây dựng nhà xưởng văn phòng;
– Xây dựng đường nội bộ;
– Xây dựng hệ thống phụ: hệ thống thoát nước, cổng, tường rào…
b) Công việc xây lắp:
– Lắp đặt kết cấu, hệ thống công nghệ;
– Lắp đặt thiết bị;
– Lắp đặt hệ thống điện động lực, điện điều khiển (I&C system);
– Lắp đặt hệ thống chiếu sang, phòng cháy chữa cháy, điều hòa thông gió (HVAC);
– Hệ thống thông tin liên lạc;
– Công tác kiểm tra, thử nghiệm trong quá trình lắp đặt.
3. Giai đoạn hoàn thiện và kết thúc:
Sau khi xây dựng và lắp đặt xong, tổng thầu EPC tổ chức kiểm tra theo các quy trình kiểm tra thích hợp đã được duyệt.
Cụ thể có thể xét trường hợp sau:
– Sau khi thi công lắp đặt xong phải thử nghiệm chất lượng bằng phương pháp thử không phá hủy (NDT: Nondestroy – Testing), chụp X-Ray (RT), siêu âm (UT) thử từ tính (MT);
– Hệ thống ống công nghệ: kiểm tra bằng phương pháp thử thủy lục (Hydraulic Testing);
– Kiểm tra cao độ (Level), khe hở (Clearance) và kiểm tra dung sai (Tolerance).
Kết thúc quá trình, bên đơn vị thi công sẽ mời các bên liên quan nghiệm thu và cùng ký vào Biên bản nghiệm thu lắp đặt hoàn thành, hay còn gọi là “Chứng chỉ hoàn thành cơ khí” (Mechanical Completion Certificate) và chuyển giao nhóm chay thử để chạy thử theo quy trình.
Chú ý là ngay cả khi hoàn thanh cơ khí và bàn giao cho nhóm chạy thử, nhưng đơn vị thi công còn có các trách nhiệm hoàn thiện các tồn đọng loại B và C; bố trí phục vụ chạy thử và sửa chữa (Modification) cho đến khi công trình hoàn thành bàn giao (taking-over” mới kết thúc công việc xây lắp.