Liên quan đến các ý kiến về Dự thảo sửa đổi BLHS2015, chúng tôi dẫn chiếu tại đây chia sẻ và phân tích sâu sắc của F.Ber Hoang Tran được nhiều người đọc quan tâm và chia sẻ trên Facebook gần đây. Tạm chưa xét đến việc có hay không có lời hứa và lời mời như nội dung được chia sẻ, vì F.Ber Hoang Tran không đưa ra bằng chứng về việc đó, chúng ta chưa có đủ cơ sở để tin vào điều này. Nhưng những phân tích và bình luận thì rất đáng để dành thời gian đọc, và suy ngẫm…
Tôi lúc đó ngồi ngay cạnh bà Ngân, và có đứng lên phát biểu về một số khó khăn và băn khoăn đối với các thủ tục để sinh viên luật, luật sư người Việt tại Mỹ được hành nghề ở quê nhà.
Tôi vẫn nhớ như in rằng sau khi tôi phát biểu xong, bà Ngân và một số vị quan chức Bộ Tư Pháp đã khuyến khích tôi trở về “phục vụ” đất nước. Không những thế, tôi còn nhận được lời hứa rằng nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện để sinh viên luật, luật sư người Việt tại Mỹ có thể hành nghề ở Việt Nam, do hơn bao giờ hết đất nước đang cần chúng tôi.
Tôi mong bà Ngân vẫn nhớ lời mời và lời hứa của bà. Tôi mong bà hiểu rằng chính những điều luật buộc luật sư Việt Nam tố cáo thân chủ một cách vi hiến, một cách sai nguyên tắc và thông lệ quốc tế, sẽ phá vỡ những lời mời và lời hứa đó.
Chúng tôi đã thề sẽ bảo vệ và trung thành với thân chủ. Tôi tin rằng sẽ khó có sinh viên luật, luật sư người Việt nào trên thế giới muốn trở về Việt Nam, khi việc trở về sẽ khiến chúng tôi có nguy cơ trở thành cánh tay nối dài của bên buộc tội khách hàng.
P/s: sau đây tôi xin trích lại bài phân tích trước của tôi về lý do tại sao Luật sư không được phản bội thân chủ.
Trong thời gian gần đây, giới Luật sư bàn tán khá nhiều về quy định Luật sư bắt buộc phải tố giác Thân chủ theo quy định của Dự thảo Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể, nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bào chữa, mà Luật sư biết được rằng Thân chủ của mình đã thực hiện hoặc có dấu hiệu ĐÃ thực hiện các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Luật sư sẽ phải tố giác thân chủ của mình. Nếu không chính bản thân Luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho việc không tố giác.
Theo tôi, đây là một quy định vi phạm Hiến pháp Việt Nam.
Để hiểu được vì sao quy định này vi hiến, đầu tiên chúng ta cần phải hiểu được tầm quan trọng của tính bảo mật trong mối quan hệ Luật sư – Thân chủ. Một trong những nguyên tắc cơ bản và tối cao của nghề Luật sư chính là việc giữ bí mật thông tin mà Thân chủ đã cung cấp cho họ. Nguyên tắc bảo mật này khuyến khích Thân chủ sẽ tự tin và trung thực cung cấp toàn bộ tình tiết sự việc mà họ biết cho Luật sư. Việc này góp phần bảo đảm tính phù hợp và chinh xác của những lời khuyên mà Luật sư sẽ đưa cho Thân chủ. Hãy tưởng tượng bác sĩ sẽ khó khăn ra sao để xác định và chữa bệnh cho bệnh nhân khi anh ta nhất quyết không tiết lộ anh đã ăn gì, uống gì, hay tiêm thứ gì vào trong người mình. Không chỉ giúp bảo đảm tính chính xác cho những lời khuyên, việc Thân chủ cung cấp toàn bộ tình tiết sự việc mà họ biết cho Luật sư sẽ giúp Luật sư đưa ra được những kế hoạch, hướng đi và lập luận tốt nhất để bảo vệ Thân chủ.
Khi Luật sư không được biết toàn bộ sự việc cũng như diễn biến vấn đề, Luật sư sẽ khó có thể bảo vệ Thân chủ của mình một cách tốt nhất. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Thân chủ, mà sẽ còn ảnh hưởng đến kết quả của một phiên tòa công bằng. Một phiên tòa công bằng, một phán quyết công bằng chỉ có thể đạt được khi toàn bộ những người tham gia phiên tòa được tiếp xúc với những lập luận và kế hoạch tốt nhất cho bản thân. Hãy thử tưởng tượng, một pha đấu kiếm có được coi là công bằng không khi một bên có gươm, có khiên tốt hơn bên kia. Đặc biệt hơn, trong hầu hết vụ án hình sự, người bị buộc tội thường được coi là phe yếu thế, do họ đang phải chống đỡ và chiến đấu với bên kia là Viện Kiểm Sát, một cơ quan nhà nước có khả năng thu thập thông tin tốt hơn nhiều so với đại đa số dân thường. Để có thể chống đỡ lại với người khổng lồ mang tên Viện Kiểm Sát một cách công bằng và để cán cân công lý luôn cân bằng, Luật sư phải được tiếp cận với toàn bộ thông tin mà Thân chủ có được. Đây chính là nguyên tắc tranh tụng.
Do đó, nguyên tắc bảo mật trong mối quan hệ Luật sư – Thân chủ cũng chính là một nguyên tắc cơ bản và tối cao cho nền tư pháp công bằng của một xã hội văn minh.
Quay trở lại quy định bắt buộc Luật sư phải tố giác Thân chủ của mình. Nếu quy định này tồn tại, tôi tin rằng Thân chủ sẽ e dè hơn rất nhiều khi cung cấp toàn bộ thông tin sự việc cho Luật sư. Họ sẽ lo sợ rằng nếu một số việc làm khác của họ là sai trái, họ sẽ phải đi tù thêm khi nói ra cho Luật sư. Và do đó, họ không nói chuyện với Luật sư, hoặc có khi còn tệ hơn, họ sẽ không thuê Luật sư. Đây là một tình cảnh hết sức lẩn quẩn và oan gia, bởi nếu Thân chủ không cung cấp thông tin về những việc làm và hành động của mình cho Luật sư, làm sao họ có thể biết được rằng những việc làm đó có vi phạm pháp luật không. Và đặc biệt hơn, như đã phân tích ở trên, khi không được Thân chủ tiết lộ toàn bộ thông tin, Luật sư sẽ không thể bảo vệ Thân chủ một cách tốt nhất và người bị buộc tội sẽ không được pháp luật bảo vệ và xét xử một cách công bằng nhất. Đây chính là việc gián tiếp giới hạn hai nguyên tắc của Hiến pháp Việt Nam:
Điều 31: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa
Và
Điều 103: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm… Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.”
Tại cuối bài này, tôi cũng xin thể hiện sự đồng ý với ý kiến rằng nguyên tắc bảo mật của mối quan hệ Luật sư – Thân chủ không phải là tối cao nhất. Nguyên tắc này có thể bị phá bỏ và Hiến pháp Việt Nam đã công nhận điêu đó. Điều 14 của Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Do đó, nếu tôn trọng Hiến pháp, Bộ luật hình sự mới của Việt Nam chỉ nên bắt buộc Luật sư tố giác Thân chủ khi việc tố giác này là thực sự cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia hay ngăn ngừa hiểm họa trực tiếp cho sức khỏe và tính mạng của một hay nhiều cá nhân nào đó. Việc ép buộc Luật sư tố giác những hành động ĐÃ RỒI trong quá khứ của Thân chủ, mà đặc biệt KHÔNG THỂ TIẾP TỤC gây hại cho quốc gia hay tính mạng của ai đó, chắc chắn là vi hiến.