Một số nghĩa vụ đặc thù của Luật sư

MỘT SỐ NGHĨA VỤ ĐẶC THÙ CỦA LUẬT SƯ

Tuân thủ quy định của pháp luật là một trong những nguyên tắc hành nghề và nghĩa vụ cơ bản của luật sư. Trong quá trình hành nghề, luật sư luôn được đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý mà mình cung cấp với khách hàng thông qua việc vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và quy định của pháp luật một cách phù hợp khi giải quyết các vụ việc nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. 
Bên cạnh mục đích bảo vệ tốt nhất lợi ích hợp pháp của khách hàng, luật sư cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ một số nghĩa vụ đặc thù áp dụng liên quan đến hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về hình sự cũng như quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực nhất định như phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, chuyển giá
Bên cạnh mục đích bảo vệ tốt nhất lợi ích hợp pháp của khách hàng, luật sư cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ một số nghĩa vụ đặc thù áp dụng liên quan đến hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về hình sự cũng như quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực nhất định như phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, chuyển giá, v.v. Đây là các lĩnh vực mà luật Việt Nam ngày càng có xu hướng quản lý chặt chẽ hơn. Do đó, luật sư khi tư vấn cho khách hàng cần quan tâm đến nghĩa vụ của mình, đặc biệt là những lĩnh vực đặc thù đòi hỏi mức độ trách nhiệm cao của luật sư để tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ chính mình. 

1.Phòng chống tội phạm. 

Điều 4.3 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định chung về nghĩa vụ tham gia, phòng chống tội phạm đối với mọi công dân (bao gồm luật sư). Trong trường hợp luật sư không tuân thủ nghĩa vụ này, chẳng hạn như khi luật sư không tố giác tội phạm hoặc che giấu tội phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm hoặc tội che giấu tội phạm, trừ một số trường hợp luật sư được miễn trừ trách nhiệm hình sự về tội này (ví dụ không tố giác tội phạm không phải là tội liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng theo Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015). 

2. Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Luật sư được xem là “tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan” chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Khi tham gia tư vấn cho khách hàng, luật sư có thể biết về các giao dịch ngân hàng chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Luật sư có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan nhà nước đối với các “giao dịch đáng ngờ” có thể có liên quan đến mục đích rửa tiền (quy định tại Điều 22 của Luật Phòng chống rửa tiền). Ngoài ra, luật sư cũng có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan nhà nước khi phát hiện khách hàng hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan thực hiện giao dịch nằm trong “danh sách đen” hoặc có cơ sở hợp lý là có hoạt động rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. “Danh sách đen” được công bố tại <http://bocongan.gov.vn/web/guest/ct…> Luật sư có thể phải chịu trách nhiệm hành chính nếu vi phạm các nghĩa vụ có liên quan. Đặc biệt, luật sư có thể phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến “tội rửa tiền” (quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự 2015) nếu tham gia trực tiếp hoặc với tư cách là người đồng phạm. 
Phần lớn các giao dịch tại Việt Nam đều được thực hiện thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng. Do vậy, luật sư tư vấn biết việc thanh toán qua ngân hàng trong phần lớn các giao dịch tại Việt Nam. Nghĩa vụ báo cáo có thể phát sinh trong các giao dịch trên và luật sư cần biết về về phạm vi “giao dịch đáng ngờ” và giao dịch với tổ chức, cá nhân nằm trong “danh sách đen” để tuân thủ nghĩa vụ báo cáo.

3. Ngăn ngừa hành vi trốn thuế và chuyển giá. 

Bên cạnh các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố còn khá mới mẻ với luật sư Việt Nam thì các quy định về ngăn ngừa hành vi trốn thuế hoặc chuyển giá cũng ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên thực tế. Các quy định pháp luật về thuế và chuyển giá chưa ghi nhận một cách rõ ràng về nghĩa vụ và trách nhiệm áp dụng riêng đối với luật sư trong việc báo cáo các giao dịch mang tính chất trốn thuế hoặc chuyển giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cơ quan thực thi pháp luật ngày càng thi hành nghiêm khắc hơn các quy định pháp luật về thuế và chuyển giá, rủi ro luật sư phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý liên quan đến các vấn đề trên ngày càng cao. 
Điều 16.3 của Luật Quản lý thuế yêu cầu mọi cá nhân và tổ chức có trách nhiệm tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về thuế (ví dụ như hành vi trốn thuế, hành vi gian lận thuế, v.v). Đây là trách nhiệm chung của mọi cá nhân và tổ chức (bao gồm luật sư). Khác với quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, luật sư tại thời điểm hiện nay chưa có quy định cụ thể yêu cầu luật sư có nghĩa vụ báo cáo riêng với cơ quan nhà nước về hành vi trốn thuế hoặc chuyển giá. Mặc dù vậy, quy định chung tại Luật Quản lý thuế về cơ bản vẫn yêu cầu luật sư có nghĩa vụ tố giác khi biết hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tùy từng trường hợp, nếu luật sư có hành vi thông đồng, bao che người khác trốn thuế, gian lận thuế, v.v, thì có thể chịu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể hơn, luật sư có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tư vấn cho khách hàng sử dụng các biện pháp không được phép để trốn thuế hoặc chuyển giá (ví dụ với vai trò là đồng phạm trong “tội trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự 2015). 
Nói tóm lại, trong quá trình hành nghề, bên cạnh việc tuân thủ các nghĩa vụ chung của một công dân, luật sư cần thực hiện đầy đủ một số nghĩa vụ đặc thù liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của luật sư trong một số lĩnh vực nhất định như phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, chuyển giá, v.v. Đối với những lĩnh vực mà nghĩa vụ luật sư chưa được quy định một cách rõ ràng (ví dụ như thuế), luật sư cần nhận thức một cách thận trọng về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong bối cảnh mục đích và xu hướng tiếp cận của quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ để bảo vệ chính mình.
Nguồn: Luật sư Trương Nhật Quang
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!
Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *