Trong lịch sử phát triển của đất nước, có thể nói không có giai đoạn nào vị thế và vai trò của luật sư lại được coi trọng như ngày nay, nhất là từ khi Luật Luật sư được Quốc hội thông qua (năm 2006) và sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (năm 2009). Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đây là thời điểm xã hội Việt Nam đã dần thừa nhận vị thế và vai trò của nghề luật sư theo đúng chỗ đứng mà nghề này xứng đáng có được. Người dân đã tìm đến luật sư như một nhu cầu thiết yếu, số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư ngày càng phát triển, chất lượng ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, luật sư là một nghề hết sức vất vả, khó khăn và có phần “nguy hiểm”, đặc biệt là đối với nữ luật sư. Mặc dù vậy, ở Việt Nam đang chứng kiến đội ngũ nữ luật sư ngày càng đông đảo, không hề kém cạnh về chất lượng, sự cống hiến trong nghề nghiệp, góp sức vào các thành tựu của nghề này.
Vị thế ngày càng được nâng cao
Trước khi nói đến những thành công của các nữ luật sư nước ta, khi nhìn lại quá trình phát triển của nghề luật sư tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định rằng thời kỳ ban đầu, nghề luật sư vốn không dành cho phụ nữ.
Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ 20 cũng chỉ có hai tên tuổi nữ luật sư là Luật sư Ngô Bá Thành (nhũ danh Phạm Thị Thanh Vân) và Luật sư Nguyễn Phước Đại (nhũ danh Nguyễn Thị Quỳnh Anh) là có thể sánh vai với rất nhiều luật sư khác, nhưng lại cũng đều xưng danh nam giới.
Mặc dù Hoa Kỳ là một quốc gia có nền tư pháp lâu đời và phát triển, nhưng nữ luật sư đầu tiên ở quốc gia này – bà Myra Colby Bradwell cũng đã từng bị từ chối hành nghề chỉ với lý do là phụ nữ. Năm 1869, Bradwell đã vượt qua bài thi biện luận khắt khe của Tòa án tối cao Illinois với kết quả xuất sắc nhưng vẫn bị từ chối đơn xin việc vì lý do giới tính.
Trong thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới trong đó có Việt Nam, vẫn tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ, cho rằng do đặc điểm giới tính khác nhau giữa nam và nữ nên đã dẫn đến sự phân biệt địa vị khác nhau trong xã hội, gia đình, kinh tế hay chính trị. Nam giới và nữ giới có vai trò đặc thù riêng trong xã hội, trong đó nam giới thường đảm nhiệm các công việc về chính trị, quản lý nhà nước, kỹ nghệ, quân đội…, trong khi phụ nữ đảm nhận công việc tề gia nội trợ và chăm sóc con cái. Sự chuyên môn hóa về vai trò này đã dẫn đến sự hình thành quan niệm cho rằng phụ nữ là phái yếu, không có khả năng đảm đương các công việc đòi hỏi trí tuệ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại về các quyền bình đẳng, trong đó có quyền bình đẳng giới và sự phát triển của nghề luật sư tại Việt Nam, tỷ lệ nữ giới tham gia hành nghề luật sư ngày càng tăng theo thời gian và đã đóng góp nhiều vào thành tựu của nghề.
Về số lượng, ở Việt Nam hiện có gần 11.000 luật sư, trong số đó nữ luật sư chiếm 34% – 3.716 người (tính đến hết tháng 12/2016).
Đoàn luật sư TP. Hà Nội là một trong hai Đoàn luật sư đầu tiên (cùng với Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) thành lập Câu lạc bộ Nữ luật sư. Ngày 20/10/2015, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng đã thành lập Hội Phụ nữ trực thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội với hơn 1.000 nữ luật sư, 900 nữ tập sự hành nghề luật sư và hơn 1.000 nữ cán bộ nhân viên làm việc tại các văn phòng luật sư, trực thuộc 26 chi hội phụ nữ.
Hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ nữ luật sư ngày nay có thể nói là toàn diện và trải khắp trên mọi lĩnh vực hành nghề, cả trong hoạt động tố tụng cũng như hoạt động tư vấn. Từ các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính… cho đến việc tham gia tư vấn cho doanh nghiệp, xây dựng và tuyên truyền pháp luật, thậm chí cả tư vấn và tranh tụng quốc tế, chúng ta đều đã thấy hình ảnh các nữ luật sư chuyên nghiệp, kinh nghiệm, thạo chuyên môn và giàu lòng nhân ái. Cùng với sự hoạt động tích cực của mình, nhiều nữ luật sư đã gây dựng được uy tín và niềm tin với khách hàng ở trong nước cũng như với bạn bè, đối tác trên thế giới. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng đã xuất hiện rất nhiều nữ luật sư đảm nhận các vị trí “đầu sóng ngọn gió”, “thuyền trưởng” của nhiều tổ chức hành nghề luật sư như: chủ tịch, giám đốc, trưởng văn phòng…
Thách thức ở phía trước
Trên thực tế, luật sư là một nghề đầy khó khăn, vất vả đối với tất cả những ai theo đuổi sự nghiệp này, không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn chung, các nữ luật sư không tránh khỏi những vất vả, hạn chế hết sức đặc thù vì lý do giới tính, trong đó nổi bật nhất nằm ở hai vấn đề chính:
(i) Khó khăn đến từ chính cuộc sống riêng tư
Tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, yếu tố lịch sử và văn hóa đã hình thành nên truyền thống và quan niệm có phần nặng nề và sâu sắc rằng thiên chức của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ, chủ yếu tập trung cho việc quán xuyến gia đình, còn việc hoạt động xã hội, chính trị, phát triển nghề nghiệp chủ yếu dành cho nam giới. Trong khi đó, việc hành nghề luật sư luôn đòi hỏi các luật sư phải dành rất nhiều thời gian cho công việc, khách hàng, dĩ nhiên là thường vượt xa con số tiêu chuẩn 8 tiếng/ngày với tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư về sức lực, trí tuệ, khả năng tổ chức, giao tiếp xã hội cao hơn nhiều nghề nghiệp khác.
Do vậy, các nữ luật sư trên thế giới nói chung cũng như của Việt Nam gần như sẽ luôn trong tình trạng “căng dây đàn” khi phải thu xếp hết sức hài hòa giữa công việc và gia đình và tất nhiên không thể tránh khỏi những thời điểm việc thu xếp vẹn toàn là bất khả thi. Từ đó, áp lực đến từ chồng con, bố mẹ, họ hàng đối với các nữ luật sư là vô cùng to lớn, đòi hỏi các nữ luật sư phải thực sự có tình yêu, niềm say mê với nghề nghiệp nhưng đồng thời cũng phải hết sức thông minh, khoa học và tinh tế để có thể duy trì hài hòa cùng lúc bên “tư” bên “công”.
(ii) Khó khăn từ chính hoạt động nghề nghiệp
Nghề luật sư luôn phải động chạm đến những nguyên tắc, quy phạm pháp luật khô khan, đôi lúc chưa thực sự hợp lý, thậm chí “vô tình”, điều này thường trái ngược với các thiên tính của người phụ nữ. Do vậy, bản thân các nữ luật sư khi hành nghề luôn phải cố gắng tránh các biểu hiện về cảm xúc bên ngoài, phải tự quyết liệt hơn, đấu tranh nhiều hơn và làm chủ bản thân.
Ngoài ra, đối với những nữ luật sư hoạt động trong lĩnh vực tố tụng, đặt biệt là tố tụng hình sự, sẽ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng hết sức phức tạp, đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Ví dụ như gần đây nhất vào tháng 01/2017, một nữ luật sư đã bị hành hung ngay tại phòng xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tuy khó khăn, phức tạp là thế, nhưng đối với nhiều nữ luật sư hiện đại, thông minh, tự tin và bản lĩnh, họ luôn biết cách biến những điểm yếu thành những điểm mạnh và biết vận dụng vào công việc một cách khéo léo, hiệu quả.
Vị thế tương lai
Theo số liệu thống kê ở Hoa Kỳ, tại các trường được Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ (ABA) chứng nhận, số lượng nữ sinh viên luật chiếm 50% so với nam sinh viên và số lượng nữ luật sư “đầu vào” tại các công ty luật cũng chiếm tỷ lệ tương tự. Tuy nhiên, số lượng nữ luật sư tiếp tục duy trì và vươn tới các vị trí điều hành của các công ty luật Hoa Kỳ lại tụt xuống chỉ còn 16,81%.
Nguyên nhân của con số nêu trên phần lớn vẫn nằm ở việc xã hội, kể cả tại một quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, chưa thực sực hỗ trợ phụ nữ tối đa, ít nhất là ngang bằng với nam giới, trong việc theo đuổi các hoạt động xã hội, nghề nghiệp một cách lâu dài. Quay trở lại với con số 50% đầu vào là nữ luật sư, thì có đến 9,2% rời bỏ các công ty luật trong vòng một năm, gần một nửa (43%) từ bỏ trong vòng ba năm và có tới 75% đã chuyển sang môi trường làm việc khác trong vòng sáu năm kể từ khi bắt đầu đi làm.
Tuy không có số liệu thống kê chính thức, người viết tin rằng tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục kéo dài. Để có thể giải quyết vấn đề này, cần thời gian và quá trình để xã hội ngày càng giải phóng người phụ nữ về mọi mặt, tạo cơ hội bình đẳng cho họ trong mọi lĩnh vực nói chung và nghề luật sư nói riêng.
Có thể thấy rằng, mặc dù đã có sự phát triển về số lượng cũng như về chất lượng, phụ nữ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn phải tiếp tục vượt qua rất nhiều khó khăn đặc thù trong việc theo đuổi nghề luật sư. Tuy nhiên, hòa với dòng chảy phát triển chung của nhân loại trong việc bình đẳng hóa con người về mọi mặt, trong mọi lĩnh vực, các nữ luật sư Việt Nam vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ học tập, làm việc, đóng góp cho việc nâng cao hơn nữa vai trò của luật sư trong xã hội, góp phần cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Theo: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3 (tháng 3/2017).
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!