Start-up, hoặc việc cùng lúc sở hữu nhiều công ty hiện nay tại Việt Nam đang ngày càng trở lên phổ biến, bất chấp các con số thống kê về tỷ lệ các doanh nghiệp không tổ chức được ngày sinh nhật 1 tuổi, hay lâu hơn là 5 tuổi.
Trong việc thành lập công ty, có nhiều vấn đề cần quan tâm, như loại hình công ty, việc góp vốn, quản lý và phân cấp quản lý, quy định phân quyền thương thảo và ký kết hợp đồng, quản trị rủi ro, phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro… Bên cạnh các vấn đề này, một vấn đề quan trọng không kém là Đặt tên doanh nghiệp, tưởng chừng là vấn đề đơn giản, song tìm hiểu kỹ về nó, và đối chiếu với thực tiễn hành nghề, hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập, mới thấy nhiều vấn đề mà nếu hiểu rõ, sẽ nhận ra việc đặt tên doanh nghiệp không đơn giản như ta nghĩ.
I. Khái niệm về tên doanh nghiệp:
Tên Doanh nghiệp (“DN”) và tập hợp các chữ cái trong bảng chữ cái Việt Nam, và các chữ F, J, W, Z, số và các ký tự đặc biệt nhằm mục đích phân biệt giữa doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác.
II. Cấu trúc tên DN:
Có 02 (hai) phần cấu thành nên tên DN là: phần thể hiện loại hình doanh nghiệp và Tên riêng của DN.
1. Phần thể hiện loại hình DN:
Công ty [loại hình DN]:
Trong đó loại hình DN bao gồm 5 loại DN:
(1) Công ty cổ phần;
(2) Công ty TNHH một thành viên;
(3) Công ty TNHH hai thành viên trở lên;
(4) Công ty hợp danh; và
(5) Doanh nghiệp tư nhân.
2. Phần tên riêng:
Là toàn bộ phần còn lại của tên doanh nghiệp, nằm phía sau phần thể hiện loại hình DN. Như vậy, phần tên là toàn bộ phần sau của cụm: Công ty cổ phần…/Công ty TNHH …
Ví dụ 1: trong tên Công ty: Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp Hồng Hà, nhiều người nhầm lẫn rằng Hồng Hà là tên riêng của Công ty. Đó là cách hiểu và thông thường vẫn nói với nhau như vậy. Song, theo quy định của pháp luật, phần tên riêng ở Ví dụ 1 này là: tư vấn doanh nghiệp Hồng Hà; do cụm “Công ty TNHH” là thể hiện phần loại hình doanh nghiệp, và do đó, phần còn lại là Tên riêng của DN.
III. Các cách thể hiện tên DN:
Có 03 (ba) cách thể hiện tên DN: Tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt
(i) Tên DN bằng tiếng Việt:
Đây là quy định bắt buộc. Một DN khi thành lập phải có tên bằng tiếng Việt.
(ii) Tên DN bằng tiếng nước ngoài:
Theo quy định của Luật DN 2014, có thể sử dụng các chữ cái, ký tự trong hệ thống chữ Latin để đặt tên nước ngoài cho DN với yêu cầu đảm bảo tên nước ngoài của DN phải được dịch đúng với tên tiếng Việt của DN. Tuy nhiên thực tế, một số cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập DN lại chỉ chấp thuận tên nước ngoài của DN bằng tiếng Anh mà không chấp thuận bất kỳ thứ tiếng nào khác. Về vấn đề này, những trường hợp đó đang chưa thực hiện đúng với quy định của pháp luật, DN hoàn toàn có quyền và có khả năng tranh luận với các cơ quan nói trên, để giành quyền đặt tên DN phù hợp với mong muốn của mình, và không trái quy định của pháp luật.
Ta cùng xem xét Ví dụ 2 dưới đây:
Ví dụ 2: Một nhà đầu tư Pháp muốn thành lập DN tại Việt Nam, hoạt động về lĩnh vực trang trí nhà ở; họ muốn lấy tên là “Ngôi nhà của bố mẹ tôi”, lấy cảm hứng từ việc đó chính là nơi họ được sinh ra, nuôi nấng và trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội, và để ghi nhớ và tưởng thưởng cho điều kỳ diệu này, họ muốn đặt tên DN như vậy. Ngoài ra, họ muốn lấy tên nước ngoài cho DN bằng tiếng Pháp (cũng thuộc hệ thống chữ Latin), để giữ nguyên bản tiếng mẹ đẻ, cũng là nhằm hướng tới cộng đồng người nói tiếng Pháp tại Việt Nam, và thể hiện bản sắc, để ai chỉ cần nhìn vào tên DN cũng biết đó mang đậm chất Pháp, hoặc Công ty của Pháp.
Như vậy, tên Việt Nam của DN có thể là: Công ty TNHH Ngôi nhà của bố mẹ tôi
Tên tiếng Anh (tiếng nước ngoài): My parents’ home Limited Company;
Tên tiếng Pháp (cũng là tiếng nước ngoài, hệ Latin): Entreprise de La maison de mes parents
(iii) Tên viết tắt của DN.
Tên viết tắt của DN là tên rút gọn, thường chỉ lấy phần tên gần cuối, mang hoặc viết tắt phần tên riêng của DN và thêm phần viết tắt loại hình DN )Co.,ltd/ Jsc…)
Ví dụ: Hong Ha Consulting Co.,ltd
IV. Các điều cấm trong đặt tên DN
Có thể phân loại thành 4 nhóm điều cấm trong đặt tên DN, gồm:
(i) Đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với DN khác đã đăng ký;
(ii) Sử dụng nhãn hiệu hoặc tên thương mại không đúng quy định;
(iii) Sử dụng tên các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang…;
(iv) Đặt tên trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
Chi tiết các điều cấm này, sẽ được ikienthuc.com giới thiệu ở bài viết: Các điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Đình Nghĩa và Luật sư Lê Minh Tuấn đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ các thông tin liên quan đến bài viết!
Phần giới thiệu nội dung trên bằng tiếng Anh, dành cho độc giả quan tâm cùng nghe và tham khảo thêm, tại đây.
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!