Đó là câu chuyện về hành trình tới Oxford của Lê Quốc Minh.
Những gì Lê Quốc Minh đã làm được minh chứng rằng trên đời này quả là có phép mầu. Mỗi chúng ta hãy nuôi trong long mình một ước mơ cháy bỏng, có ý chí và long kiên trì để thực hiện ước mơ ấy, thì một ngày không xa, giấc mơ sẽ trở thành hiện thực. Lê Quốc Minh là một con người như vậy. Em đã làm được một điều kỳ diệu là thi đậu vào trường Oxford sau khi vượt qua bao thử thách về toán học, logic, và tư duy của các giáo sư Oxford. Minh đã xuất sắc và vinh dự là học sinh Việt Nam duy nhất nhận học bổng toàn phần của Quỹ Học Bổng Qatar Thatcher.
“Bố Mẹ làm việc cả nửa đời người, chả nhẽ không có đủ tiền cho con sang Oxford du học ư?” đó là lời của cậu bé ngây ngô nói với bố mẹ khi cả hai anh chị đang vừa mừng vừa lo trước quyết định nhận học của trường Somerville, Đại Học Oxford Anh Quốc. Cậu bé ấy chính là Lê Quốc Minh, một học sinh xuất sắc, một tài năng trẻ ươm tại Trường Chuyên Tổng Hợp. Em đã đỗ Học Bổng Toàn Phần Đại Học Oxford.
Ngày 11/1/2016 là ngày trọng đại của Lê Quốc Minh, khi em nhận được Thư chấp nhận của trường Somerville, Khoa Công Nghệ Máy Tính, Đại Học Oxford. Chính giáo sư Alice Prochaska đã ký thư chính thức nhận Quốc Minh vào trường. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Quốc Minh và gia đình, nhưng là nỗi lo lắng tột độ vì sau khi nhận được tin Oxford, Quốc Minh không muốn đi học ở Mỹ nữa, dù em đã đỗ rất nhiều trường với mức học bổng cao ngất ngưởng: Đại học Miami, Connecticut, Earlham….Nhưng lấy tiền đâu mà đi học đây? Câu trả lời thật không tưởng.
Ngày 28 Tết rét mướt, hai anh chị đến gặp tôi với vẻ mặt vừa vui vừa buồn. “Thầy ơi, bây giờ làm cách nào để có tiền cho Minh đi học?” tôi nói, “Anh chị cứ yên tâm, chúng ta sẽ có cách.” Rồi chúng tôi ngồi bàn nhau về các cách và phân tích liệu có khả thi không: nào là hãy đăng tin này lên để xem có mạnh thường quân nào tài trợ cho Quốc Minh không? Khó quả nhỉ, ở Việt Nam liệu có đại gia nào cho Quốc Minh vay gần 10 tỷ để đi học Oxford không? Hiếm lắm, dù vẫn có thể có; rồi hay là chúng ta viết thư cho Microsoft, Google, hay Facebook để hỏi xem Nadella, Lary Page và Mark Zukerburg có giúp được Quốc Minh hay không. Cũng không khả thi lắm. Trước nỗi lo lắng này, tôi bàn với anh chị, “chúng ta hãy viết thư cho trường hỏi xin họ giảm học phí.” Anh chị nói với tôi, “cũng chẳng còn cách nào khác Thầy ạ.”
Và Quốc Minh đã viết cho Thầy giáo phỏng vấn mình. Trong thư có đoạn, “Kính gửi Giáo sư Bill Roscoe, lời đầu tiên cho phép em gửi tới Thầy lời chúc mừng năm mới từ Việt Nam. Em cám ơn Thầy rất nhiều về buổi phỏng vấn đậm chất học thuật và thị phạm mà Thầy đã dành cho em. Em học được rất nhiều từ buổi phỏng vấn với Thầy và sự thách thức của Thầy đối với trí tuệ và bản lĩnh nhỏ bé của em.
….Ngày 11/01/2016 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời em khi em nhận được Thư Chấp Nhận vào trường Oxford từ TS. Alice Prochaska….Em và gia đình em vừa vui vừa lo lắng. Vui là vì em chưa bao giờ dám nghĩ giấc mơ Oxford của em lại trở thành sự thật, lo là vì bố mẹ em giờ đây lấy đâu ra tiền để cho em đi học….
Rồi thư lại đẫm những dòng đậm tình người, chạm đến tâm can của các Thầy Oxford, “Thưa Thầy, đã từ lâu em luôn định kiến rằng Oxford là ngôi trường dành cho các con em gia đình quý tộc, và hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, dành cơ hội cho những con người từ giai tầng xã hội thấp và những sinh viên nghèo. Giờ đây Oxford đã chạm đến tay em, nhưng vì không đủ điều kiện mà em có nguy cơ tuột mất cơ hội này: một cơ hội phát triển về hàn lâm và trí tuệ và cơ hội đóng góp vào ngành khoa học máy tính, và đóng góp cho Việt Nam khi em tốt nghiệp và trở về đất nước thân yêu của em, nơi em sinh ra và lớn lên, ấp ủ những ý tưởng hoài bão để đền đáp lại công ơn của đất nước đối với em…..
… Để có tiền đi học Oxford, Bố Mẹ em đã sẵn sàng bán tất cả tài sản hiện có, mà giá trị nhất là ngôi nhà mà gia đình em đang sinh sống. Nhưng dù có bán hết, thì số tiền thu được cũng chỉ đủ chi trả một năm học phí 80,000 bảng Anh tại Oxford mà thôi. Em mong rằng, với lòng tốt và uy tín của Thầy, Thầy sẽ chỉ giúp em một con đường tới Oxford, và qua Thầy, bức thư này sẽ tới được những người có trách nhiệm tại Oxford để giúp giảm một phần hay toàn bộ học phí cho em. …
Em tin tưởng vào một tương lai khi mà em có thể làm được nhiều hơn để đóng góp cho Việt Nam thoát khỏi vị thế hiện tại để trở thành một quốc gia phát triển. Tới khi đó, hàng triệu người Việt Nam sẽ thoát khỏi nghèo đói, và nghĩa là hàng triệu trẻ em sẽ được đến trường và chăm sóc y tế. Đó là một tương lai sẽ thành hiện thực với sự trợ giúp của các nhà khoa học máy tính, trong đó có em…”
Thư vừa gửi, Thầy Bill đã ngay lập tức trả lời và nói là Thầy đã chuyển thư này tới những người có trách nhiệm tại Oxford. Vậy là niềm hy vọng đã được thắp lên. Chúng tôi đã bắc thang lên hỏi được ông trời hay sao? Chỉ vài hôm sau, trong lòng như lửa đốt, Quốc Minh nhận được thư từ Oxford: Chúc mừng Lê Quốc Minh, chúng tôi đã đề cử bạn nhận học bổng Qartar Thatcher Scholarship. Đây là học bổng thuộc quỹ học bổng Thatcher Trust Fund nhằm dành cho những sinh viên xuất sắc và triển vọng để được hưởng những lợi ích về trí tuệ và hàn lâm từ Oxford.
Từng rào cản bước vào cánh của Oxford của Quốc Minh cứ được rỡ bỏ và một viễn cảnh học bổng toàn phần đã hé lộ dần. Nhưng trước mắt còn phải vượt qua vòng sát hạch bài luận xin học bổng. Quốc Minh phải chứng minh rằng em xứng đáng với học bổng danh giá này và học bổng sẽ giúp gì cho Quốc Minh.
Và em lại viết, “Em ấp ủ một suy nghĩ ngây thơ là không bao giờ để những khó khăn về tài chính cản bước em tới Oxford, cản bước em thai ngén những ý tưởng biến Trí Tuệ Ảo (Artificial Intelligence) thành những giải pháp giáo dục. Em mong muốn những ý tưởng này sẽ giúp ích cho trẻ em Việt Nam nghèo khó đang sống ở những vùng núi xa xôi, hàng ngày phải trèo đèo lội suối để đến trường. Em mường tượng một ngày kia sẽ tạo ra phần mềm máy tính để giúp các em nhỏ được tiếp cận với tri thức của nhân loại và hoà nhập vào một xã hội rộng lớn hơn. Em mường tượng về một Việt Nam không còn bất kỳ một trẻ em nào bị tụt lại phía sau. Em cũng mường tượng về một Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu nhờ phát triển ngành khoa học máy tính, một đất nước mà mới chỉ vài thập kỷ trước, tới 90% người dân còn đang bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà không hề hay biết cuộc cách mạng máy tính đang diễn ra mạnh mẽ khắp mọi góc của thế giới này….”
“…Em sẽ xem học bổng danh giá này là một khoản nợ vinh dự mà em sẽ trả dần sau khi tốt nghiệp từ đồng lương của em để Quỹ Học Bổng Qartar Thatcher lại dành sự hỗ trợ quý báu cho các học sinh nghèo từ các quốc gia đang phát triển, trong đó của đất nước Việt Nam của em…
Em xin trân trọng cám ơn!”
Và đó là những lời tâm huyết của Lê Quốc Minh cho tới ngày em nhận được tin học bổng toàn phần gần VND7,000,000,000 từ Quỹ Học Bổng Qartar Thatcher.
Giấc mơ không chỉ là giấc mơ!
Nguồn: Giang Nguyễn – IvyLeague Vietnam
Nguồn: Giang Nguyễn – IvyLeague Vietnam
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!