Trong nhiều tình huống, khi giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng, Tòa án tự mình đã xác định lại bản chất của hợp đồng để phân định tranh chấp này. Ví dụ như hai bên tranh chấp với nhau về Hợp đồng thuê tài sản, nhưng có vẻ như thực chất đó là quan hệ mua-bán tài sản. Và thực chất giao dịch đang được đưa ra tranh chấp được coi là quan hệ pháp luật nào, thì sẽ dẫn đến hướng giải quyết, luật áp dụng hoàn toàn khác nhau, và kết quả phân xử cũng hoàn toàn khác. Mới nhìn thì có vẻ như điều này đối lập với nguyên tắc tự do định đoạt trong tố tụng dân sự và tự do giao kết hợp đồng trong Bộ luật Dân sự.
Thứ nhất, mỗi loại Hợp đồng lại chứa đựng những chế định cụ thể. Ví dụ như, hợp đồng thuê tài sản có chế định riêng, và khác xa với những quy định điều chỉnh về hợp đồng mua bán. Theo đó, các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ phát sinh từ mỗi loại hợp đồng cũng khác nhau đáng kể. Do vậy, để xác định chính xác bản chất của hợp đồng là rất cần thiết nhằm áp dụng một cách chính xác và phù hợp những quy định của pháp luật, và Tòa án có thẩm quyền chính là cơ quan phù hợp cho việc xác định lại này, khi các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường tranh tụng.
Thứ hai, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, việc xác định không đúng bản chất của hợp đồng có thể rơi vào một trong hai trường hợp sau đây: (i) vì không hiểu rõ pháp luật, các bên đã hiểu nhầm bản chất của hợp đồng dẫn đến giao kết không đúng loại hợp đồng, hoặc (ii) vì hiểu quá rõ các quy định của pháp luật nên các bên đã cố tình xác định sai bản chất của hợp đồng nhằm mục đích né tránh nghĩa vụ nào đó hoặc để đạt được nhiều lợi ích hơn so với trường hợp nếu họ xác định đúng bản chất hợp đồng. Rõ ràng, trong những trường hợp này, quyền xác định lại bản chất hợp đồng của Tòa án là rất cần thiết và hợp lý.
Đây không chỉ là thực tế riêng có ở nền pháp lý Việt Nam. Ở Pháp, Tòa án tối cao cũng thường hướng dẫn các Tòa án cấp dưới xác định lại bản chất của hợp đồng với mục đích giải quyết tranh chấp chính xác và hiệu quả hơn.
Anh Đỗ
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!