Chuyện hi hữu xảy ra với bản án mà TAND cấp cao đã tuyên khiến Bộ Tư pháp không thể trả lời khiếu nại của đương sự về quyết định phát mãi tài sản của cơ quan thi hành án.
Bản án phúc thẩm tháng 12-2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM (nay là TAND cấp cao) khi xét xử một vụ tranh chấp thừa kế đã tuyên “phát mãi bán đấu giá tài sản là căn nhà” trên đường Hùng Vương, phường 4, quận 5, TP.HCM để thi hành án.
Đây là tài sản do cụ Trần Văn Trạch (đã mất) để lại, được chia cho các đồng thừa kế.
Chỉ phát mãi nhà hay cả nhà lẫn đất?
Sau khi bản án có hiệu lực, Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã bán đấu giá căn nhà với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Bà Trần Thị Ánh Nga (người quản lý nhà) bị cưỡng chế phải giao nhà cho người trúng đấu giá.
Hiện nay, nhà đất đã được cấp sổ đỏ cho chủ mới và người chủ mới cũng đã tiến hành xây dựng nhà trên mảnh đất này.
Tuy nhiên, sau khi bản án được thi hành, bà Nga đã làm đơn tố cáo chấp hành viên lạm quyền, thi hành sai bản án của tòa.
Lý do theo bà Nga, bản án chỉ tuyên phát mãi bán đấu giá căn nhà nhưng chấp hành viên lại phát mãi bán đấu giá cả nhà lẫn đất. Bà Nga đã gửi nhiều đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan có thẩm quyền.
Sau khi nhận đơn tố cáo của bà Nga, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có công văn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM cho ý kiến về việc quyết định tại bản án tuyên phát mãi đấu giá căn nhà đường Hùng Vương là bao gồm nhà và quyền sử dụng đất hay chỉ là phát mãi nhà, không được phát mãi diện tích đất.
Điều đáng nói là mặc dù tuyên án xong, giờ được yêu cầu giải thích bản án nhưng TAND cấp cao tại TP. HCM lại không thông nhất được quan điểm giải thích.
Sau khi nhận được công văn của Tổng Cục thi hành án dân sự, TAND cấp cao tại TP.HCM đã có công văn gửi ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND tối cao (phụ trách dân sự) để xin ý kiến.
Tại công văn này, TAND cấp cao cho biết tập thể lãnh đạo tòa vẫn chưa thống nhất được quan điểm về vụ việc bởi vẫn có hai luồng ý kiến.
Ý kiến thứ nhất cho rằng tòa không tuyên phát mãi đấu giá nhà đất mà chỉ tuyên phát mãi đấu giá căn nhà, do đó không có cơ sở để cơ quan thi hành án bán đấu giá cả nhà lẫn đất.
Ý kiến thứ hai lại cho rằng căn nhà tranh chấp là dạng nhà phố được xây dựng trên toàn bộ diện tích khuôn viên đất nên việc tòa tuyên phát mãi bán đấu giá căn nhà phải được hiểu là cả nhà và quyền sử dụng đất’.
Chính vì vậy, TAND cấp cao tại TP. HCM xin ý kiến ông Tống Anh Hào nên giải thích bản án hay tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án nêu trên.
Ai có trách nhiệm giải thích bản án?
Do không nhận được trả lời của TAND cấp cao tại TP. HCM nên Tổng cục thi hành án dân sự lại tiếp tục có công văn đề nghị TAND tối cao cho ý kiến giải thích bản án. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục thi hành án dân sự cũng chưa nhận được trả lời của tòa.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thắng Lợi – Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng Cục thi hành án dân sự cho biết Thanh tra Bộ Tư pháp vẫn xem xét vụ việc và chưa có kết luận về vụ đấu giá nhà đất đường Hùng Vương trên.
Phải đợi sau khi có trả lời của tòa án, Bộ Tư pháp mới có cơ sở trả lời khiếu nại của vợ chồng bà Nga và chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc giải thích bản án là trách nhiệm của hội đồng xét xử chứ không phải trách nhiệm của lãnh đạo TAND cấp cao tại TP. HCM hay lãnh đạo TAND tối cao.
Nguyên tắc xét xử là độc lập, thẩm phán không chịu sự can thiệp của bất cứ ai. Hội đồng xét xử là những người ra bản án, họ có nghĩa vụ phải giải thích bản án chứ lãnh đạo tòa không xét xử vụ án thì không thể giải thích bản án đươc.
Lãnh đạo tòa chỉ giải thích về luật hoặc hướng dẫn về nghiệp vụ xét xử chứ không được giải thích bản án.
“Trong trường hợp này, lẽ ra lãnh đạo TAND cấp cao tại TP. HCM, lãnh đạo TAND tối cao biết việc giải thích bản án không thuộc trách nhiệm của mình thì cần phải chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới trả lời đương sự và cơ quan chức năng khác chứ không thể im lặng để vụ việc bị kéo dài”- Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết.
Hội đồng xét xử phải giải thích bản án
Hiện nay, có nhiều bản án tuyên không rõ ràng dẫn đến tình trạng khó thi hành án hoặc đương sự khiếu nại.
Đơn cử như câu chuyện nêu trên, bản án chỉ ghi là “phát mãi căn nhà”, vậy có thể hiểu là chỉ được phát mãi nhà mà không bao gồm quyền sỡ hữu đất.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa nhà phải nằm trên đất thì bản án lại tuyên không rõ ràng. Trong trường hợp này, khi thi hành án, lẽ ra chấp hành viên cần phải có văn bản đề nghị hội đồng xét xử giải thích xem họ tuyên phát mãi căn nhà thì có bao gồm đất hay không?
Trên cơ sở đó, chấp hành viên mới tiến hành các bước tiếp theo. Tiếc rằng trong vụ việc này, chấp hành viên coi tòa tuyên “phát mãi căn nhà” là phát mãi luôn cả đất và thi hành án theo cách hiểu của mình khiến đương sự phải khiếu kiện kéo dài
Anh Đỗ
Theo: Luật sư Bùi Đình Ứng
Nguồn: tuoitre.vn