Nhận được một việc làm đúng với mong muốn và sở trường của mình đã không hề dễ dàng, làm việc như một luật sư hoặc một chuyên viên pháp chế cũng vậy. Song không phải luật sư nào, hay người hành nghề luật nào cũng đang nhìn nhận đúng hoặc đủ cần thiết về trách nhiệm và những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy đến trong quá trình hành nghề của mình.
Luật sư cần quan tâm tự bảo vệ mình trong quá trình hành nghề. Hoạt động của luật sư chủ yếu chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của (i) pháp luật, (ii) điều lệ và quy chế nội bộ của đoàn luật sư, (iii) quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và (iv) hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa luật sư và khách hàng. Khi vi phạm các quy định trên, luật sư có nguy cơ phải chịu trách nhiệm và đây không chỉ là rủi ro mang tính chất lý thuyết mà ngày càng trở thành rủi ro thực tế. Trước khi bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng, luật sư cũng cần bảo vệ chính bản thân mình.
Về cơ bản, trách nhiệm của luật sư bao gồm (i) chịu hình thức xử lý kỷ luật của đoàn luật sư, (ii) chịu trách nhiệm hành chính theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, (iii) chịu trách nhiệm dân sự với khách hàng và (iv) chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi phạm tội hình sự.
1. Xử lý kỷ luật của đoàn luật sư. Đoàn luật sư nơi luật sư là thành viên có thể áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm. Các hình thức xử lý kỷ luật bao gồm (i) khiển trách, (ii) cảnh cáo, (iii) tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 đến 24 tháng và (iv) xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư. Trên thực tế, việc áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm rất thông dụng và đây là một trong các nhiệm vụ chủ yếu của ban chủ nhiệm đoàn luật sư theo đề nghị của hội đồng khen thưởng, kỷ luật.
Các quy định pháp luật về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm cụ thể của luật sư không hoàn toàn rõ ràng. Trong phần lớn trường hợp, đây là quyết định trong nội bộ của đoàn luật sư dựa vào nhận thức của hội đồng khen thưởng, kỷ luật và ban chủ nhiệm đoàn luật sư về tính chất và mức độ vi phạm. Do quyết định này có tính chất chủ quan, có nhiều trường hợp luật sư vi phạm không đồng ý với quyết định của đoàn luật sư; trong trường hợp này, luật sư có thể khiếu nại với Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Mặc dù vậy, pháp luật vẫn có quy định các hình thức xử lý kỷ luật cụ thể đối với một số hành vi vi phạm của luật sư. Ví dụ như đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, hình thức xử lý kỷ luật luật sư chỉ có thể bao gồm (i) khiển trách, (ii) cảnh cáo và (iii) tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 tháng đến 12 tháng. Do vậy, hình thức xử lý kỷ luật tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư trên 12 tháng và xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư không được áp dụng trong trường hợp này.
2. Trách nhiệm hành chính. Cơ quan quản lý nhà nước (thông thường là Sở Tư pháp) có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với luật sư và trách nhiệm hành chính chủ yếu là phạt tiền. Trách nhiệm hành chính thường được áp dụng trên thực tế mặc dù không thông dụng như các hình thức xử lý kỷ luật của đoàn luật sư.
Các hành vi vi phạm thông dụng phải chịu trách nhiệm hành chính là (i) hành nghề luật sư khi không có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập đoàn luật sư, (ii) sách nhiễu, lừa dối khách hàng, (iii) nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, (iv) cố ý tư vấn pháp luật cho các khách hàng có quyền lợi đối lập trong cùng một vụ việc và (v) tiết lộ thông tin về vụ việc hoặc khách hàng mà luật sư biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Mức phạt tiền áp dụng không quá cao, từ 500.000 Đồng đến 30.000.000 Đồng.
3. Trách nhiệm dân sự. Khách hàng có thể yêu cầu luật sư phải chịu trách nhiệm dân sự đối với vi phạm. Trách nhiệm dân sự cơ bản là (i) bồi thường thiệt hại và (ii) đòi lại hoặc giảm tiền phí dịch vụ và thường phát sinh trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý. Để xử lý rủi ro liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của khách hàng, tổ chức hành nghề luật sư có thể mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo đó công ty bảo hiểm sẽ thanh toán tiền bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại chưa thông dụng; tuy nhiên, việc đòi lại hoặc giảm phí dịch vụ rất thông dụng ở Việt Nam.
4. Trách nhiệm hình sự. Luật sư vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng được quy định trong pháp luật về hình sự. Các hành vi này liên quan đến cả hoạt động tố tụng và hoạt động tư vấn. Ngoài hình phạt tù, luật sư vi phạm còn có thể bị cấm hành nghề trong một thời hạn nhất định. Trên thực tế, chưa có nhiều trường hợp luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật về hình sự quy định 2 tội cụ thể cho luật sư trong hoạt động tố tụng với tư cách là người bào chữa là “tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” và “tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.” Điều đáng lưu ý là pháp luật về hình sự cũng quy định các tội phạm khác liên quan đến hoạt động tư vấn của luật sư, đặc biệt là các tội liên quan đến giao dịch chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các tội này bao gồm “tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, “tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”, “tội thao túng thị trường chứng khoán” và “tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.”
Nói tóm lại, hoạt động hành nghề của luật sư chịu nhiều rủi ro và luật sư có thể phải chịu trách nhiệm khi vi phạm các quy định của (i) pháp luật, (ii) điều lệ và quy chế nội bộ của đoàn luật sư, (iii) quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và (iv) hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa luật sư và khách hàng. Rủi ro chính hiện nay của luật sư là xử lý kỷ luật của đoàn luật sư, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự. Cùng với xu hướng hình sự hóa các vụ án kinh tế, rủi ro về trách nhiệm hình sự ngày càng trở nên thực tế hơn.
Theo: Trương Nhật Quang – YKVN
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!