(ikienthuc.com): Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24/11/2015 (Bộ luật Dân sự 2015) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 theo đó hết hiệu lực.
Sau 10 năm hiệu lực của Bộ luật Dân sự 2005, một số vấn đề liên quan đến xung đột pháp luật, hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ các quan hệ xã hội cần có đã bộc lộ. Bộ luật Dân sự 2015 đã có hiệu lực, dưới đây là 6 điểm khác biệt đáng chú ý:
1. Căn cứ ưu tiên áp dụng giải quyết các vụ việc dân sự.
Bộ luật Dân sự 2015 bổ sung thêm 03 căn cứ: (i) Nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Dân sự, (ii) Án lệ, và (iii) Lẽ công bằng. Lần đầu tiên lẽ công bằng được nhắc đến không chỉ dưới góc độ đạo đức, hay được đưa ra tại các phiên tòa để tranh luận, bảo vệ ở góc độ: “Xét về lẽ công bằng, chúng tôi thiết nghĩ/nhận thấy ông A xứng đáng được..” một cách yếu ớt, và trông mong chạm vào “vùng cảm xúc” của những người thực thi pháp luật, một cách đầy may rủi. Nay lẽ công bằng đã được luật hóa, là một căn cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, khi mà các căn cứ “chắc tay” hơn không được áp dụng hoặc không có căn cứ để áp dụng. Điều này mở ra hàng nghìn trường hợp trong tương lai mà chúng ta sẽ được chứng kiến.
Nguồn ảnh: FDVN |
Về nguyên tắc, người làm luật (cơ quan lập pháp – Quốc hội) phải tiên liệu được hầu hết và càng đầy đủ càng tốt, các trường hợp thực tế có thể xảy ra, theo đó đưa ra quy định điều chỉnh, chế tài áp dụng cho mỗi trường hợp đó.
Nhưng đó là điều kiện lý tưởng và mang tính lý thuyết, trên thực tế, pháp luật mặc dù không đi sau để điều chỉnh các mối quan hệ, các sự việc song cũng không thể tiên lượng hết các trường hợp có thể xảy ra. Ở trường hợp này, theo Bộ luật Dân sự 2005, Tòa án có quyền từ chối thụ lý vụ việc, nhưng, theo Bộ luật Dân sự 2015, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc mà giải quyết theo thứ tự ưu tiên tại Mục 1, có nghĩa là xét đến cùng, sẽ căn cứ vào lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc.
3. Các trường hợp quyền và nghĩa vụ dân sự bị hạn chế
Bộ luật Dân sự 2015 bổ sung thêm trường hợp: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; thay vì chỉ có 2 trường hợp như trước đây: (i) Mất năng lực hành vi dân sự, và (ii) hạn chế năng lực hành vi dân sự.
4. Quy định mức lãi suất tiền vay tối đa
Trước đây, theo Bộ luật Dân sự 2005, mức lãi suất tiền vay tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước, nay Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức tối đa cố định là 20%, mà không phụ thuộc vào mức lãi suất tham chiếu nào.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thay đổi này, có thể là do tình trạng cho vay tiêu dùng “mở cửa” trong việc chứng minh tài chính, chứng minh khả năng trả nợ với mức lãi suất siêu cao của các Công ty tài chính trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung.
5. Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên đã giao kết hợp đồng được làm gì?
– Bộ luật Dân sự 2005: Không có quy định. Do đó dẫn đến việc khó khăn trong việc đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý giữa các bên, mỗi bên đều đưa ra quan điểm và lý lẽ riêng mà không có căn cứ pháp luật cụ thê. Bên cạnh đó, ngay cả khi đã đưa vấn đề ra giải quyết tại cơ quan tài phán, cơ quan có thẩm quyền này cũng không có cơ sở để giải quyết, và cũng không thể giải quyết theo lẽ công bằng được.
– Bộ luật Dân sự 2015: Hai bên/Các bên/Mỗi bên có quyền: (i) Yêu cầu Tòa án sửa đổi hợp đồng để cân bằng lợi ích giữa các bên, hoặc (ii) Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng, hoặc (iii) Chấm dứt Hợp đồng.
6. Các quyền đối với Tài sản:
– Bộ luật Dân sự 2005: chỉ quy định về quyền sở hữu;
– Bộ luật Dân sự 2015: quy định về: (i) quyền sở hữu, và (ii) Quyền khác đối với tài sản.
Trên đây là 6 điểm khác biệt cơ bản giữa Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015. Trong thời gian tới, chúng ta chắc hẳn sẽ cùng chứng kiến nhiều trường hợp giải quyết tranh chấp, vụ việc dân sự thú vị trong thực tiễn hoạt động pháp lý.
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!