Hiểu thế nào cho đúng về Hợp đồng tổng thầu EPC/Turnkey
Trong thực tế, nhiều người vẫn có thói quen, và đôi khi “cố ý” sử dụng cụm từ Hợp đồng tổng thầu EPC để chỉ những hợp đồng có giá trị lớn (rất lớn) hoặc phạm vi công việc rộng. Tuy nhiên, việc sử dụng cụm từ như vậy là không đúng với cách thức phân loại hợp đồng tổng thầu EPC. Việc sử dụng không chính xác chủ yếu do sự hiểu chưa đúng bản chất hợp đồng EPC, và đôi khi còn bởi sự cố ý sử dụng thuật ngữ “hợp đồng EPC” để làm tăng giá trị của mình đối với đối tác, hoặc truyền thông chính thống hoặc không chính thống.
Về bản chất, giá trị hay số lượng các công việc mà một nhà thầu đảm nhận theo một hợp đồng xây dựng không phải là cơ sở để phân chia hợp đồng là tổng thầu EPC/Turnkey. Theo cách tiếp cận của FIDIC (Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn) thì trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng được chia thành dạng do Chủ đầu tư thiết kế (Designed by Employer – Red Book), hoặc Nhà thầu thiết kế và thi công (Design & Build – Yellow Book), hoặc Nhà thầu khảo sát, tự đưa ra phương án kỹ thuật, thiết kế, thi công (EPC/Silver Book).
Với cách tiếp cận như vậy, các rủi ro dần dần được chuyển giao từ Chủ Đầu tư sang Nhà thầu. Đến loại Hợp đồng Turnkey/EPC thì Nhà thầu hầu như phải gánh chịu mọi rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng (ngoại trừ một số rủi ro cố hữu như chiến tranh, địch họa, v.v). Tuy nhiên, theo loại hợp đồng này Nhà thầu được quyền tự do cao nhất trong việc đưa ra phương án, kỹ thuật thi công của mình. Sự can thiệp của Chủ đầu tư vào quá trình triển khai dự án là rất hạn chế. Chính những đặc tính này giúp cho Hợp đồng EPC khác hoàn toàn so với loại hợp đồng có giá trị lớn (dựa trên quy mô của dự án) và có khối lượng công việc nhiều (dựa trên loại công việc mà Nhà thầu đảm nhận).
Ngược lại, tại Việt Nam các nhà thầu vì nhiều lý do (có thể là do chưa có nhận thức rõ ràng về hợp đồng tổng thầu EPC/Turneky hoặc vì muốn nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp mình) vẫn sử dụng cụm từ EPC contract hoặc hợp đồng tổng thầu trong các banner, các thông báo trên website, hoặc các thông cáo chính thức.
Ngoài ra, về mặt pháp lý; hợp đồng EPC được hướng dẫn riêng bởi Thông tư 30/2016/TT-BXD ngày 30/12/2016 về Hướng dẫn hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình. Bạn đọc có thể tải Thông tư 30/2016/TT-BXD tại đây.
Chính bởi vậy, đã đến lúc cần có những góc nhìn rõ ràng và phù hợp với thông lệ của thế giới về hợp đồng EPC, giúp các doanh nghiệp xây dựng, các chủ đầu tư có cách tiếp cận đúng, sử dụng đúng loại hợp đồng/điều kiện hợp đồng vào từng giao dịch cụ thể, tránh trường hợp áp đặt một cách gượng ép nghĩa vụ của nhà thầu thi công sang nghĩa vụ của Nhà thầu EPC.
Nguồn: Tổng hợp từ CNC Lawyers và internet.
Xem thêm:
>> Và nhiều bài viết về Hợp đồng khác (Hợp đồng mua bán điện, Hợp đồng vận chuyển hàng hóa…).