Khi đề cập đến những nghề nghiệp nào ở Mỹ có thu nhập cao nhất, người ta thường hay nhắc đến bác sỹ và luật sư. Quả thật, bác sỹ ở Mỹ thu nhập bình quân mỗi năm chừng 160.000 USD – 200.000 USD, còn nghề luật sư, mức thu nhập cũng từ 140.000 USD – 180.000 USD. Tuy nhiên, nghề luật sư còn có điểm đặc biệt hơn bác sỹ ở chỗ là luật sư được tự do thỏa thuận mức phí dịch vụ đối với thân chủ, nên trong những vụ có giá trị tranh chấp lớn, luật sư nhiều kinh nghiệm có thể dễ dàng “bỏ túi” vài triệu đến vài chục triệu USD như chơi, làm một vụ, sống khỏe cả đời…
Luật sư ở Mỹ thường là họ cũng học qua tất cả các thủ tục, quy định chung về luật pháp, nhưng hệ thống pháp luật của Mỹ là rất phức tạp, gồm có hệ thống luật liên bang, và của 50 tiểu bang, bởi vậy, rất khó để một luật sư tại Mỹ có thể nắm rõ tất cả các quy định, thủ tục pháp luật của toàn bộ 50 tiểu bang. Thông thường, một luật sư Mỹ chỉ có thể chuyên môn trong một vài lĩnh vực cụ thể như di trú, bồi thường tai nạn xe cộ, phá sản, … và họ chỉ được phép hành nghề ở những tiểu bang mà họ được cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, nếu là lĩnh vực hành nghề chuyên môn của họ là về luật liên bang, thì họ được phép hành nghề ở tất cả các tiểu bang, mặc dù họ chỉ có giấy phép hành nghề ở một tiểu bang.
Về đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam , để trở thành một luật sư ở Việt Nam, trước tiên bạn phải tốt nghiệp cấp 3 (tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp tú tài). Sau đó, bạn phải thi đầu vào của một trường đại học luật, khoa luật của một trường đại học theo các khối A (03 môn toán – lý – hóa), hay C (03 môn văn – sử – địa), vào có thể học theo hệ chính quy 04 năm hay là hệ tại chức 02 năm, sau khi đã có văn bằng 1 của một trường đại học nào đó. Tiếp theo đó, bạn phải đậu 01 kỳ thi tuyển đầu vào và tham gia khóa đào tạo nghề luật sư 06 tháng của Học viện Tư pháp. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư 06 tháng này, bạn phải tập sự ở một văn phòng luật sư với thời hạn là 02 năm. Sau đó, bạn phải vượt qua kỳ thi cả lý thuyết và thực hành nghề luật sư, rồi nộp đơn đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho bạn. Tiếp theo đó, bạn phải đăng ký gia nhập một đoàn luật sư, và được cấp thẻ thành viên. Kể từ lúc này, nghề nghiệp luật sư của bạn mới thật sự bắt đầu, và bạn mới có thể “tung hoành” và phát huy hết khả năng, bản lĩnh của bạn… Trong quy trình đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam, nội dung giáo trình học và thi hầu hết là kiến thức về quy định pháp luật, đạo đức hành nghề luật sư, và xử lý tình huống pháp lý.
Đó là thủ tục và quy trình của lò đào tại luật sư tại Việt Nam vào cái thời mình học luật, vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, không biết bây giờ thủ tục, quy trình đào tạo luật sư tại Việt Nam có gì đổi khác không, kính mong được sự chỉ giáo của các bạn.
Hơi khác với quy trình đào tạo luật sư tại Việt Nam, để trở thành luật sư ở Mỹ, bạn phải tốt nghiệp một trường đại học với tấm bằng 4 năm (một số ít trường luật đòi hỏi chỉ cần bằng 02 năm) với bất cứ chuyên ngành học nào cũng được.
Sau đó, bạn cần phải chuẩn bị và tham gia bài kiểm tra, gọi là LSAT (Laws School Admission Test) được biên soạn bởi Hội đồng Đăng ký Đầu vào của các trường luật (Laws School Admission Council), được tổ chức 04 lần trong một năm. Nội dung bài test này là được biên soạn chung cho tất cả các trường luật trên nước Mỹ, và các trường luật chỉ có thể nhận sinh viên nào đã tham gia bài test này, tùy theo mức điểm do từng trường luật quy định.
Hệ thống thang điểm của LSAT được tính theo một công thức đặc biệt, và có thang điểm từ 120 – 180. Bài kiểm tra nào đạt điểm càng cao thì càng dễ được nhận vào các trường luật danh tiếng. Thông thường, điểm chuẩn LSAT để nhận vào trường luật ở Mỹ là từ 150 điểm trở lên.
Một bài kiểm tra LSAT bao gồm 06 phần, mỗi phần 35 phút, tổng cộng là 210 phút, hay là 3 giờ 30 phút, và có cho nghỉ giải lao đúng một lần 10 phút để thì sinh có thể đi vệ sinh, uống nước…
Nội dung bài kiểm tra LSAT chủ yếu tập trung vào các kỹ năng tư duy suy luận, như giải quyết các trò chơi, câu đố (games), giống như chơi trò ô chữ (puzzle words), hay là ô số (sudoku), hay là giải cờ thế…; suy luận logic (logical and reasoning arguments); đọc hiểu; và viết bài luận (essay).
Điều khá bất ngờ là nội dung kiến thức được sử dụng trong bài kiểm tra LSAT gần như không hề liên quan gì đến kiến thức luật pháp hay là xử lý các tình huống pháp lý. Kiến thức thì bao trùm tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ chính trị, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường … có điều đặc biệt cần lưu ý là nhiều khi kiến thức ngoài đời sống xã hội là đúng, như trong phạm vi tình huống cụ thể của bài kiểm tra LSAT thì lại là sai. Do vậy, thí sinh tham gia kỳ thi LSAT thường được khuyến cáo là chỉ tập trung vào từ ngữ, ý nghĩa của các sự kiện trong phạm vi bài kiểm tra mà thôi, không nên dùng kiến thức chung về sự kiện đó để áp dụng vào bài kiểm tra LSAT. Bởi vì, mục đích chính là bài kiểm tra LSAT là để đánh giá khả năng tư duy của thí sinh, chứ không phải để đánh giá lượng kiến thức mà thí sinh tích lũy được…
Trong 06 phần của một bài thi LSAT, thì chỉ có 04 phần được tính điểm, 02 phần không tính điểm, trong đó có 01 phần là tổng hợp lại các kỹ năng tư duy trong 04 phần tính điểm kia, và 01 phần là bài viết luận (essay). Bài viết luận sẽ không được tính điểm, nhưng sẽ được gởi cho tất cả các trường luật nơi thí sinh sẽ nộp đơn xin nhập học, cùng với kết quả điểm thi LSAT để trường đó tham khảo, quyết định có nhận người thí sinh đó hay không… gọi là sơ tuyển (xem xét hồ sơ).
Để trường luật chấp nhận xem xét hồ sơ thí xin theo thủ tục sơ tuyển, người thí sinh này cần có ít nhất 02 bức thư giới thiệu (recommendation letters) từ các thầy cô giáo, bạn cũ, hay những người có uy tín khác trong cộng đồng, với nội dung viết về những khả năng nổi trội, những đức tính đáng quý … của người thi sinh.
Nếu qua được vòng sơ tuyển, thì người thí sinh sẽ được sắp xếp một buổi phỏng vấn với các cố vấn của trường luật. Hội đồng phỏng vấn thường có từ 02 người trở lên, và phạm vi phỏng vấn là rất rộng, nhưng thường là họ hỏi về sở thích, thói quen, ưu khuyết điểm của thí sinh, và bất kỳ thứ gì khác…
Kết thúc buổi phỏng vấn thành công, là xem như thí sinh đã chính thức được nhận vào học trong trường luật.
Thông thường, một khóa học trong một trường luật thường có thời gian là 04 năm; một số ít trường luật cho sinh viên tự chọn học dồn môn, nên thời gian còn 03 năm. Có trường yêu cầu sinh viên toàn thời gian, nhưng có trường cho phép học bán thời gian. Thường là ở các trường luật nổi tiếng tại Mỹ, chương trình học chỉ có là toàn thời gian mà thôi.
Nội dung các môn học trong một trường luật tại Mỹ chủ yếu tập trung về hệ thống pháp luật liên bang, và hệ thống luật pháp của tiểu bang nơi mà trường tọa lạc. Và sinh viên được học luôn cả kỹ năng hành nghề ngay trong trường; do vậy, sinh viên luật tốt nghiệp ra trường là đã có thể hành nghề ngay sau khi có giấy phép hành nghề, mà không bắt buộc phải thông qua quá tình tập sự như ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên luật mới tốt nghiệp đều lựa chọn đi tập sự ở các văn phòng luật sư, công ty luật, hay các công ty, cơ quan chính phủ… để tích lũy kinh nghiệm và mở rộng quan hệ khách hàng…
Thông thường học phí trường luật, cũng như trường y, hay trường dược ở Mỹ là rất cao, từ 40.000 USD – 100.000 USD/năm. Tuy nhiên, sinh viên luật ở Mỹ thường là được chính phủ hỗ trợ cho vay tiền với lãi xuất thấp, và được trả chậm sau nhiều năm sau khi ra trường để trả học phí.
Tấm bằng tốt nghiệp trường luật ở Mỹ là tấm bằng tiến sỹ luật khoa (juris doctorate – JD). Như vậy, luật sư ở Mỹ đương nhiên là có học vị tiến sỹ luật.
Luật sư ở Mỹ được quản lý bởi luật sư đoàn của từng tiểu bang nơi luật sư có văn phòng, trụ sở chính. Luật sư đoàn ở Mỹ tổ chức thi và cấp bằng hành nghề cho luật sư thành viên, quản lý tư cách đạo đức, việc hành nghề của luật sư… Bởi vậy, luật sư ở Mỹ họ sợ nhất là luật sư đoàn, ngoài ra, họ chẳng sợ ai cả, ngay cả đối với Tổng thống Mỹ họ cũng chẳng sợ, vì tiêu chuẩn đạo đức hành nghề luật sư ở Mỹ trao cho họ quyền ưu tiên giữ bí mật thông tin cho khách hàng, bất kể là khách hàng có phạm tội gì đi nữa, thì luật sư cũng có quyền từ chối tiết lộ thông tin khách hàng cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, cho dù thân chủ của họ có phạm tôi khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia đi nữa…
Nguồn: Theo FB-er Tuong Hua
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích!