Dự án tổng thầu EPC là dự án mà tổng thầu hoàn toàn chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế, mua sắm, xây dựng cho đến khâu chạy thử hoàn thành và cam kết bảo hành với chủ đầu tư. Do đó, trong quá trình thực hiện, từ khâu nộp hồ sơ thầu cho đến khi nhận được hợp đồng, thực hiện hợp đồng; nếu không kiểm soát tốt thì tổng thầu EPC sẽ có rất nhiều rủi ro.
Rủi ro có thể là chi phí thực hiện hợp đồng vượt quá giá trị hợp đồng, rủi ro có thể là chất lượng công trình không đảm bảo dẫn đến chủ đầu tư không nghiệm thu công trình….Trong những trường hợp như vậy, thiệt hại là rất lớn thậm chí doanh nghiệp có nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản.
Đứng trước thực tế này, để kiểm soát, hạn chế ngăn ngừa các rủi ro bao gồm các rủi ro được nêu trên, tổng thầu EPC phải chú ý các vấn đề chủ yếu sau:
1. Kiểm soát về mặt kỹ thuật
Đây là lĩnh vực/khía cạnh thường có nhiều rủi ro nhất, và thường xảy ra ở các khâu sau:
a) Khâu khảo sát địa chất công trình:
Do đặc thù công trình công nghiệp thường gắn với các thiết bị có tải trọng lớn và có hoạt tải khi vận hành càng lớn hơn, nên việc khảo sát địa chất chính xác là rất quan trọng, đảm bảo nhà thiết kế có thể tránh được mọi sai sót trong khâu thiết kế.
Thực tế, mặt bằng công trường thi công thường rất rộng, chủ dự án phải căn cứ mặt bằng bố trí công trình (Plot Plant hay Plant Layout) để quyết định các vị trí khoan khảo sát ở các vị trí đặt các thiết bị chính, giúp cho nhà thiết kế có giải pháp thiết kế tối ưu (đảm bảo tuổi thọ công trình, đồng thời phù hợp với hệ số dự phòng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không vì chỉ chú trọng khía cạnh an toàn về kỹ thuật mà đưa ra hệ số dự phòng quá cao, quá mức cần thiết, gây nên lãng phí chi phí xây dựng.
b) Khâu tính toán về công nghệ:
Căn cứ và số liệu tính toán và sơ đồ công nghệ (Process Flow Diagram – PFD), bộ phận thiết kế công nghệ phải thẩm định lại tính chính xác của số liệu được cung cấp từ thiết kế cơ sở (Basic Design), phải dùng phần mềm thiết kế thích hợp như PDS (Plant Design System) hoặc Autoplant để mô phỏng lại quy trình công nghệ (Project Simulation).
Đây là dữ liệu đầu vào quan trọng cho bộ phận thiết kế đưa ra các thiết kế chính xác và đảm bảo về kích cỡ, đặc tính kỹ thuật, các công cụ chịu lực, cấp chịu lực của các thiết bị được sử dụng…
c) Khâu thiết kế điều khiển tự động:
Các dự án công nghiệp yêu cầu ngày càng cao về tính vững chắc của hệ thống điều khiển tự động. Hiện nay, hệ thống DCS (Data Collection System) hoặc SCADA (Supervising Control & Data Acquisition) thường được sử dụng. Hệ thống điều khiển tự động để đảm bảo tính ổn định, an toàn tránh đóng khẩn cấp (Trouble Shooting) và hệ thống thường được cấu trúc (Configuration) có dự phòng gọi là hệ thống Redundancy. Nếu không tính toán và kiểm soát các yếu tố trên, nhà thầu sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro, bao gồm việc phải mua bổ sung thiết bị vừa tăng chi phí, vừa làm chậm tiến độ.
d) Rủi ro ở khâu thi công:
Nếu việc thi công, huy động phương tiện thi công, nhân lực không phù hợp, bộ máy quản lý chất lượng không đủ năng lực cũng có thế mang đến nhiều rủi ro chất lượng kém.
2. Kiểm soát về mặt thương mại:
Do dự án EPC thường có thời gian thực hiện dài, giá cả thiết bị vật tư trên thị trường có thể có nhiều biến động, chính sách về thuế nhập khẩu ở các nước có công trình cũng có thể có thay đổi, hoặc vị trí công trình ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển vật tư, thiết bị…Các yếu tố này cũng có thể dẫn đến hay tạo ra các rủi ro cho tổng thầu EPC trong quá trình thực hiện dự án.
3. Các việc cần thực hiện để kiểm soát rủi ro:
– Trước khi nộp hồ sơ thầu, tổng thầu EPC phải tổ chức các bộ phận thực hiện việc tham quan, nghiên cứu kỹ công trường (Site Survey);
– Phải chú trọng việc khảo sát lại để thẩm định số liệu khảo sát do chủ đầu tư cung cấp;
– Tổ chức tốt công việc thiết kế và thi công theo đúng quy trình;
– Phải dự phòng chi phí cho tất cả các phát sinh mà hiện tại chưa nhìn thấy;
– Tổ chức tốt bộ máy quản lý chất lượng;
– Phải mua bảo hiểm theo điều kiện Bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng (CAR- Construction All Risk);
– Các vấn đề khác phát sinh tùy từng trường hợp.
Như vậy, hiểu rõ, quan tâm và thực hiện đồng bộ các yếu tố trên sẽ giúp cho tổng thầu EPC hạn chế được tối đa các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng theo dạng tổng thầu EPC. Trách nhiệm quản lý rủi ro hay cụ thể là thực hiện các công việc, vấn đề nêu trên, không chỉ của các phòng ban mang tính kỹ thuật chuyên trách, mà ngay từ khâu thương thảo, soạn thảo hợp đồng, nghiên cứu pháp lý dự án, bộ phận Pháp chế trong doanh nghiệp thực hiện dự án EPC, cũng cần cụ thể hóa các yêu cầu trên trong các văn bản thỏa thuận, hợp đồng với các bên liên quan để kiểm soát và hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra như đã nêu trên đây.